Phải sẵn sàng tuân thủ “luật chơi”
Chờ sóng đầu tư từ EU sang Việt Nam | |
Tận dụng EVFTA: Phát triển logistics đẩy mạnh xuất khẩu sang EU | |
Nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh xuất khẩu sang EU |
Biết tận dụng cơ hội
Những Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới như EVFTA được các DN đánh giá là tạo ra nhiều cơ hội hơn là thách thức. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả thì các DN Việt Nam phải sẵn sàng tuân thủ luật chơi. Trong đó, phải thúc đẩy mạnh các khâu như công nghệ, nguồn nhân lực... để sẵn sàng hội nhập. Mặt khác, các chính sách cũng góp phần quan trọng không kém để thúc đẩy DN phát triển.
Thời gian qua, việc Việt Nam ký kết 14 FTA đã và đang phát huy tác dụng lớn trong tăng trưởng xuất khẩu. Theo Bộ Công thương, với các FTA này, Việt Nam đã tham gia một bước vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực duy trì được tốc độ tăng trưởng 2 con số như máy tính, sản phẩm gỗ, giày dép… Năm 2019, cả nước có 32 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD. Năm 2020, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì thực hiện kế hoạch phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp xuất siêu. Bởi vậy các DN Việt Nam phải tiếp tục phối hợp hợp tác, chia sẻ với nhau để tận dụng tốt các lợi thế mà những FTA mang lại. Điều này cũng đồng nghĩa, các DN phải tuân thủ chặt chẽ luật chơi mới để hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mới.
Áp dụng KHCN trong sản xuất là tất yếu để DN phát triển |
Nhận định của các chuyên gia cho thấy, khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi cũng sẽ tạo ra những thách thức không hề nhỏ trên nhiều phương diện, nhất là vấn đề hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đòi hỏi cộng đồng DN Việt Nam phải có biện pháp thích ứng...
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, trong sân chơi mới, các DN cần phải có tầm nhìn toàn diện, chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin về các thị trường mới và phải tuân thủ các quy định mới.
Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết mở cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Thời gian qua, các DN Việt Nam cũng đã có những tìm hiểu và chủ động trong việc tham gia vào sân chơi này. Vào EVFTA chắc chắn Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nếu như DN Việt Nam có thể đoàn kết đồng lòng vượt qua khó khăn thách thức, nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất… tận dụng tốt cơ chế chính sách thông thoáng, hỗ trợ DN phát triển đã và đang được Chính phủ quan tâm kiến tạo. Nhưng đây cũng là FTA với những rào cản khắc nghiệt. Hệ thống quy định trong EVFTA rất đồ sộ và phức tạp, Việt Nam đã chấp nhận “luật chơi” với kỳ vọng sẽ thành công nhất có thể thì các DN cũng phải sẵn sàng, nhất là trong năm 2020 có nhiều biến động.
Vẫn còn nhiều thách thức
Trên thực tế, các DN Việt Nam hiện nay chủ yếu là DNNVV, còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, nhiều chủ DN còn chưa chủ động tham gia hội nhập.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV chia sẻ, đối với các hiệp định thế hệ mới như EVFTA, chắc chắn Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn là thách thức. Do đó cần phải khai thác triệt để lợi thế này, bằng việc thông qua sự tập trung nguồn lực để thúc đẩy nhanh và mạnh năng lực SXKD của các DN liên quan đến xuất khẩu hàng hóa, đặt mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có khoảng 25% các DN tham gia xuất khẩu trực tiếp. Cùng với đó, tạo cơ chế thông thoáng mọi mặt để hút dòng vốn FDI vào Việt Nam để khu vực này tiếp tục góp phần vào xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo đó sẽ tạo ra nhiều việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi chất lượng lao động, nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế.
Để hỗ trợ các DN nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập ngày càng sâu rộng, Nhà nước cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy cộng đồng DN phát triển; Thúc đẩy nhanh việc thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó cần tập trung vào các nội dung như đánh giá lại toàn diện hoạt động của khu vực DNNVV. Song song với đó, triển khai thực hiện chính sách phù hợp, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV; Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN. Đặc biệt, cần tư vấn hướng dẫn, xử lý các vướng mắc về cơ chế chính sách tín dụng và bảo lãnh tín dụng… Tích cực đẩy mạnh việc triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN theo Nghị định 55/2019/NĐ-CP. Chỉ có việc nâng cao chất lượng DN thì mới đủ sức để tuân thủ luật chơi và tận dụng tốt những lợi thế của các Hiệp định thương mại mang lại tạo đà cho tăng trưởng xuất khẩu, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.