Ngân sách thúc đẩy nhà ở xã hội
Cho vay nhà ở theo Nghị định 100: Đã giải ngân được 2.700 tỷ đồng | |
Tiếp tục mở bán nhà ở xã hội | |
Hà Nội: Thêm 407 căn nhà ở xã hội được mở bán và cho thuê tại Long Biên và Từ Liêm |
Gói vốn rẻ sẽ “giải cứu” thị trường
Giữa tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng để cấp cho VBSP, đồng thời bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 NHTM lớn (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) nhằm hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Quyết định của Chính phủ lập tức được thị trường bất động sản đón nhận như một tin vui. Bởi từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thị trường nhà ở nói chung đang có diễn biến trầm lắng. Phân khúc nhà ở xã hội vốn là phân khúc không hấp dẫn nhiều DN đầu tư lại càng trầm lắng hơn do thiếu vốn và thiếu những ưu đãi tài chính để đẩy mạnh triển khai các dự án.
Nguồn cung nhà ở xã hội tăng sẽ khiến giá nhà ở thương mại phải giảm giá để cạnh tranh |
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện nay trên cả nước có 207 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với khoảng trên 85.800 căn hộ; còn khoảng 220 dự án khác đang triển khai xây dựng với quy mô khoảng 179.600 căn. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay việc thực thi các chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở gặp hàng loạt khó khăn do thiếu nguồn tái cấp vốn từ ngân sách.
Theo ông Châu, ngay cả trong Nghị quyết 1023/2015 của Quốc hội về 21 chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng vốn trung hạn giai đoạn 2015 – 2020 thì chương trình nhà ở xã hội cũng không có ngân sách để chi. Vì thế hàng chục dự án đều bị ách tắc về vốn và đang chậm tiến độ. Do đó, nếu Chính phủ đẩy nhanh giải ngân 3.000 tỷ đồng cho các NHTM và VBSP thì thị trường sẽ nhận được một cú hích mạnh, phân khúc nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp có thể “bật dậy” sau nhiều năm trầm lắng. Vì nguồn vốn 3.000 tỷ đồng ngân sách sẽ là nguồn vốn mồi để các NHTM và VBSP có động lực huy động và cho vay nhiều hơn đối với các dự án nhà ở xã hội. Nguyên lý khi nguồn cung nhà ở xã hội nhiều lên thì giá nhà tại các dự án nhà ở thương mại cấp thấp cũng sẽ phải điều chỉnh giảm để cạnh tranh và thị trường sẽ có cơ hội khởi sắc, giao dịch mua nhà của người dân sẽ tăng lên.
Ở góc độ dự báo, LS. Phạm Thanh Hữu (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng trong thời điểm này nếu gói ngân sách 3.000 tỷ đồng được giải ngân sớm sẽ có tác dụng vực dậy thị trường nhà ở giá rẻ rất mạnh mẽ. Bởi hiện nay, Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi những bất cập tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn và ban hành trong quý 4/2020. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng gói hỗ trợ tổng thể đối với các dự án nhà ở xã hội thiếu vốn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ thậm chí còn chỉ đạo các địa phương thực hiện ngay việc nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, như hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội. Vì thế trong năm nay thị trường nhà ở xã hội nói riêng và nhà ở thương mại giá rẻ nói chung sẽ là phân khúc có sự tăng trưởng mạnh, thu hút được nhiều DN và các NHTM tham gia.
Cần mở rộng ưu đãi nhà ở cấp thấp
Theo ông Lê Hoàng Châu, mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội những năm qua được Chính phủ rất quan tâm, nhưng hoạt động đầu tư các dự án không có nhiều lợi nhuận. Nhớ lại giai đoạn trước khi gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng được triển khai, mặc dù các chủ đầu tư vừa được vay vốn ưu đãi, vừa được miễn tiền sử dụng đất và ưu đãi các loại thuế cơ bản, nhưng không có nhiều DN mặn mà đầu tư các dự án nhà ở xã hội vì khả năng thu hồi vốn thấp, kéo dài thời gian và tỷ suất lợi nhuận sau 5 năm chỉ ở mức khoảng 10%.
Vì thế, ông Châu cho rằng, để kích thích được phân khúc nhà ở xã hội ngoài vốn tín dụng, cần tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng… giống như giai đoạn 2013-2016. Thậm chí, ngoài các dự án nhà ở xã hội thì các dự án nhà ở thương mại giá thấp cũng cần được bổ sung vào danh mục được ưu đãi về thuế, phí và tiền sử dụng đất để từ đó tạo ra nguồn cung lớn và cạnh tranh trên thị trường nhà giá rẻ.
Ngoài ra, theo quan sát của HoREA, hiện nay giới lao động trẻ mới lập gia đình ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM có mức thu nhập tăng trung bình gấp đôi sau mỗi 10 năm. Vì thế, việc đầu tư cho vay mua nhà ở đối với người lao động là gia đình trẻ không nhiều rủi ro. Các ngân hàng có thể hình thành gói tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên để cho vay tín chấp đối với nguồn khách hàng này cũng là một giải pháp để thúc đẩy thị trường nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp.