Ngành công nghiệp hỗ trợ: Tìm kiếm cơ hội sau dịch Covid
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ: Nỗ lực của doanh nghiệp là rất quan trọng | |
Tăng năng lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ |
Các sản phẩm của doanh nghiệp được nhiều khách hàng quan tâm |
Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh tạo giá trị gia tăng. Việt Nam hiện có khoảng 1.800 DN công nghiệp hỗ trợ, trong đó khoảng 300 DN tham gia chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia. Một số DN sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại các lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu, linh kiện xe máy, xe đạp, linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa, cao su, săm lốp các loại… Các sản phẩm trên thị trường cũng đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo các chuyên gia, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang trên đường phát triển mạnh mẽ và tiến nhanh tới việc hội nhập toàn cầu.
Ông Đàm Tiến Thắng, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ góp phần quyết định đến hiệu quả, chất lượng và giá thành của sản phẩm. Việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ một cách hợp lý, cân đối trong bối cảnh toàn cầu hóa sẽ tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, hình thành mạng lưới sản xuất với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, các DN FDI, các DN sản xuất, lắp ráp tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước.
Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, các DN ngành công nghiệp hỗ trợ đang chịu nhiều khó khăn do đại dịch Covid, tác động đến mọi mặt cả sản xuất lẫn thị trường. Trong bối cảnh đó, FBC Hà Nội 2020 được đánh giá là cơ hội tốt để các DN Việt quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc CTCP Long Thành GMT Việt Nam cho biết, là DN chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu, đồ gá, máy tự động và bán tự động, gia công phay CNC, tiện CNC hàng loạt… công ty đã và đang đẩy mạnh phát triển tìm kiếm thị trường cả trong và ngoài nước. Công ty tham gia hội chợ lần này cũng với mong muốn tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường và hợp tác làm ăn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Hiện tại, khách hàng chủ yếu của công ty là các DN Nhật Bản. Ngay tại hội chợ lần này đã có rất nhiều DN đến từ Nhật Bản tham gia với nhiều lĩnh vực liên quan nên công ty đánh giá rất cao hiệu quả có thể đạt được.
Tham gia gian hàng triển lãm với những sản phẩm máy móc công nghệ hiện đại, ông Trần Cao Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và tự động hóa công nghiệp (IDMEA) cho biết, đến với hội chợ lần này DN mong muốn giới thiệu những sản phẩm cũng như công nghệ mới, hiện đại đến với công chúng và các đối tác. IDMEA chuyên thiết kế, chế tạo các máy tự động hóa giúp nâng cao năng suất làm việc của DN, tư vấn thiết kế, chế tạo hệ thống vận chuyển hàng trong nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ sản xuất…
Trong những năm qua, công ty không ngừng nỗ lực đầu tư trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ nhân lực chất lượng và mở rộng quy mô nhà xưởng và năm 2016 đã trở thành vendor chính thức cung cấp trang thiết bị phục vụ sản xuất và hệ thống băng tải cho Công ty Samsung Việt Nam.