Ngành F&B hưởng lợi từ thanh toán không dùng tiền mặt
Mobile Money - "Cú hích" cho thanh toán điện tử và chuyển đổi số | |
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu | |
Lan tỏa chính sách thanh toán không tiền mặt tới giới trẻ |
Mới đây, Ví điện tử Payoo ra thông báo, chỉ với hóa đơn 300.000 đồng thanh toán bằng hình thức chạm thẻ Mastercard không tiếp xúc, khách hàng mua thực phẩm sạch tại chuỗi cửa hàng Grove Fresh sẽ nhận ngay voucher trị giá 50.000 đồng, hạn sử dụng đến hết ngày 31/7/2022. Đây là chương trình được vận hành trên hệ thống thiết bị thanh toán của Payoo, chương trình triển khai nhằm đẩy mạnh trải nghiệm thanh toán contactless (thanh toán không tiếp xúc) cho người nội trợ hiện đại trong hoạt động chi tiêu, mua sắm thực phẩm sạch, chăm sóc bữa ăn hàng ngày.
Không riêng gì Payoo, nhiều ví điện tử cũng cho ra đời nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại, giúp khách hàng có thêm trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ của ngành hàng F&B. Đơn cử như Momo dựa trên nền tảng công nghệ mạnh và sự am hiểu người dùng, MoMo đã ra mắt Mini App Thổ Địa MoMo, giúp người dùng có được trải nghiệm "tất cả trong một". Bên cạnh đó, Thổ Địa MoMo còn tạo ra kênh bán hàng, công cụ tiếp cận khách hàng mới… cho đối tác, SMEs trong ngành F&B và mua sắm, giúp họ nhanh chóng tiếp cận hàng chục triệu người dùng trên MoMo.
Thanh toán không dùng tiền mặt đang có sự phát triển mạnh mẽ |
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví MoMo cho rằng, công nghệ có thể giúp nhanh chóng chuyển dịch thành nền kinh tế số, trong đó các hoạt động thương mại, thanh toán trên môi trường số đã trở thành nhu cầu lớn, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, giúp những doanh nghiệp này có thêm khách hàng, tăng trưởng doanh số phục hồi sau dịch. Với người dùng, MoMo mong muốn trở thành người bạn chí cốt, đồng hành mỗi khi “ăn gì - ở đâu”.
Theo khảo sát của Vietnam Report, có đến 91% doanh nghiệp F&B bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19 trong hai năm qua. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, thị trường F&B đã thực sự hồi phục trở lại. Thông qua thống kê trên nền tảng thanh toán Payoo, tính đến hết quý I/2022 doanh thu ngành này đã tăng gấp rưỡi so với quý IV/2021, tổng số lượng giao dịch tăng 24% so với quý trước. Dự kiến trong quý II, ngành F&B sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa nhờ nhiều tỉnh thành khống chế thành công dịch bệnh và tâm lý người dân ổn định sau thời gian dài giãn cách nên họ đã mạnh dạn đi ăn các nhà hàng, quán xá bên ngoài nhiều hơn trước.
Đồng thời, cùng với chính sách kích cầu của Chính phủ, ngành du lịch đã bắt đầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách nội địa ước đạt 26,1 triệu lượt người trong 3 tháng đầu năm, kéo theo đó F&B là một trong những ngành đầu tiên hưởng lợi nhờ du lịch cũng nhanh chóng nhộn nhịp trở lại. Số liệu doanh thu ngành F&B nửa đầu tháng 4/2022 có mức tăng trưởng đạt gần 40% so với cùng kỳ quý I/2022 và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ quý IV/2021. Theo đó, tại hơn 400 cửa hàng của Highlands Coffee trên toàn quốc và các cửa hàng Jollibee, Gongcha, Haidilao… khách hàng có thể thanh toán bằng thẻ nội địa, thẻ quốc tế, quét mã QR của hơn 40 ngân hàng và ví điện tử phổ biến trên thị trường, cũng như cả các phương thức thanh toán mới nổi như thanh toán không tiếp xúc.
Tại Việt Nam, thống kê trên mạng lưới đối tác F&B của Payoo, các nguồn thanh toán phổ biến là thẻ (thẻ nội địa và thẻ quốc tế) chiếm 85%, QR code qua ví điện tử và ứng dụng ngân hàng chiếm 15%. Trong nguồn thanh toán thẻ, hình thức thanh toán không tiếp xúc có xu hướng tăng cao. Quý I/2022, thanh toán không tiếp xúc chiếm khoảng 38% trên khối lượng và 33,5% theo giá trị giao dịch. Chỉ tính riêng nửa đầu tháng 4/2022, thanh toán không tiếp xúc đang chiếm đến gần 44% tổng khối lượng giao dịch và chiếm gần 40% giá trị giao dịch…
Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion) chia sẻ, do những giới hạn của đại dịch, người dân đã buộc phải sử dụng các phương thức thanh toán mới, dần dần trở nên yêu thích và hình thành một “thói quen số”. Việc các doanh nghiệp chuyển đổi sang các giải pháp thanh toán số, thanh toán toàn diện không chỉ là bước “đi trước, đón đầu” nữa mà đã là yêu cầu cấp thiết để đa dạng hóa kênh bán hàng, gia tăng trải nghiệm khách hàng và vững vàng đón nhận các thách thức khác trong tương lai.
Bàn về vấn đề thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, cải thiện trải nghiệm của khách hàng trong ngành F&B, bà Winnie Wong, Giám đốc toàn quốc tại Việt Nam, Campuchia và Lào của Mastercard cho biết, trước khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Việt Nam đã phát triển việc tiêu dùng không dùng tiền mặt trong các giao dịch cuộc sống. Điều này đã mở ra cơ hội phát triển cho các giao dịch không dùng tiền mặt của F&B tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
“Công nghệ mới đã giúp việc thanh toán trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn so với việc dùng tiền mặt. Vậy nên ngành F&B cũng cần thực hiện hoá việc đưa công nghệ này vào quá trình vận hành. Những người mua hàng truyền thống đã dần chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt bởi sự thuận tiện, an toàn và nhanh chóng. Và các doanh nghiệp F&B cũng phải thay đổi cách phục vụ để phù hợp với nhu cầu của khách hàng”, bà Winnie Wong nhận định.