Ngành gỗ bàn cách vượt khó
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 như hiện nay sẽ khiến thị trường gỗ trong nửa cuối năm 2020 diễn biến rất khó dự đoán. Nhiều tín hiệu cho thấy các chỉ số tăng trưởng về xuất nhập khẩu của ngành cho năm 2020 được Chính phủ đề ra vào cuối 2019 sẽ khó đạt được.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ của các tỉnh Đông Nam bộ gặp khó vì ảnh hưởng dịch bệnh. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của tỉnh Bình Dương chỉ tăng 0,6%, ước đạt hơn 1,7 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tỉnh Bình Dương có khoảng 1.600 doanh nghiệp ngành gỗ (chiếm 40% số doanh nghiệp gỗ cả nước). Còn tại Đồng Nai (1 trong 5 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nước) kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 636,6 triệu USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh nhất là trong tháng 5/2020, chỉ đạt hơn 99 triệu USD. Bước sang tháng 6, kim ngạch xuất khẩu ở tỉnh này tăng lên 110,5 triệu USD, nhưng hoạt động cầm chừng vì các thị trường lớn hầu hết đóng cửa...
Các doanh nghiệp ngành gỗ cần có những giải pháp dài hạn nhằm ứng phó với dịch bệnh, phù hợp với tình hình mới |
Theo nhận định của Viforest, đại dịch Covid-19 đã làm hàng loạt doanh nghiệp trong ngành phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh; một số doanh nghiệp thậm chí phải đóng cửa. Các chuỗi cung về xuất nhập khẩu đứt gãy, người lao động mất việc, công nợ ngân hàng gia tăng. Trước đó, khảo sát với 124 doanh nghiệp ngành gỗ, Viforest cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, 7% doanh nghiệp đã ngừng hoạt động vì đại dịch, trong khi đó, 51% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, 35% doanh nghiệp mặc dù đang hoạt động bình thường nhưng khả năng cao sẽ sớm tạm ngừng và chỉ có 7% doanh nghiệp cho biết vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Hơn thế, không chỉ đối diện những khó khăn do đại dịch này gây ra, các doanh nghiệp gỗ xuất khẩu còn phải chịu thêm một tác động kép nữa đó là tình trạng thị trường nhập khẩu liên tục đưa ra biện pháp điều tra phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam thời gian gần đây.
Thống kê của Bộ Công thương, tính đến tháng 6/2020, đã xử lý 176 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, đã và đang xử lý 13 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam và 6 vụ việc có khả năng bị điều tra trong thời gian tới (lớn hơn số lượng vụ việc của cả năm 2019). Nếu tính trong cả giai đoạn từ năm 2007 – 2017 chỉ có khoảng 3 vụ việc liên quan đến sản phẩm gỗ xuất khẩu thì từ 2018 đến nay đã có tới 4 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với lĩnh vực này. Điều này cho thấy dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các vụ việc phòng vệ thương mại, song mức độ điều tra đối với các sản phẩm gỗ lại có xu hướng tăng.
Trước thực trạng ngành gỗ gặp khó vì gia tăng khả năng bị kiện về phòng vệ thương mại, Bộ Công thương khuyến nghị các DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ cần tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của Mỹ; chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin, chứng minh nguồn gốc nguyên liệu.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, được kỳ vọng là một trong những động lực quan trọng nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường cho các hàng hóa của Việt Nam, bao gồm cả gỗ. Thế nhưng, hiện Việt Nam xuất khẩu 253 mặt hàng gỗ vào EU với kim ngạch trên 500 triệu USD mỗi năm, trong đó có 117 mặt hàng (tương đương với 46,2%) đã có mức thuế nhập khẩu vào EU ở mức 0% (trước khi EVFTA có hiệu lực) chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ vào EU. Còn lại 104 mặt hàng có mức thuế từ 1,7% đến 6% trước EVFTA sẽ đưa về 0% thế nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nhóm này hàng năm chỉ khoảng 50 triệu USD (dưới 10%) tổng kim ngạch xuất khẩu. Cho nên dù EVFTA đem lại những ưu đãi về thuế, nhưng với các mức thuế mới sẽ không tạo được các động lực mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU.
Để ngành chế biến gỗ Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 12 tỷ USD trong 2020 trong tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục còn có những diễn biến phức tạp, lãnh đạo Viforest đề nghị các doanh nghiệp ngành gỗ cần có những giải pháp dài hạn nhằm ứng phó với dịch bệnh và phù hợp với tình hình mới. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần nhanh chóng xác định chiến lược phát triển về mặt thị trường, bao gồm cả thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa và về các dòng sản phẩm. Việc này cần được đặt ra trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động bởi dịch bệnh và căng thẳng về thương mại quốc tế. Chiến lược này cần dựa trên các yếu tố giảm thiểu rủi ro, bao gồm cả các rủi ro về gian lận thương mại, nhằm tránh các tác động tiêu cực tới ngành.