Ngành gỗ lao đao vì đại dịch Covid-19
Ảnh minh họa |
Nhu cầu thế giới “đóng băng”
Khác hẳn tâm thế vui vẻ, tự tin ở hầu hết doanh nghiệp của những ngày cuối năm 2019, khi mà ngành chế biến gỗ sau khi chốt số liệu năm đã nổi lên là một điểm sáng về tăng trưởng sản lượng và xuất khẩu, thì giờ đây áp lực đã hiện rõ trên nét mặt của những ông chủ xưởng.
“Đến giờ này các thị trường lớn như Mỹ và EU đóng băng hoàn toàn. Nhật Bản và Hàn Quốc thì đơn hàng còn lác đác. Trung Quốc bắt đầu mở lại nhưng chắc chắn còn lâu mới về mức bình thường… Thị trường toàn cầu gần như mất hết”, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Dương (BIFA), Tổng giám đốc Công ty MIFACO bày tỏ lo lắng trước tác động của dịch bệnh đang ghi dấu lên ngành gỗ.
Đáng ngại hơn, Covid-19 vẫn đang lan rộng. Các đứt gãy nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng gỗ toàn cầu khiến trong vòng 3 tháng nay, nhiều doanh nghiệp không ký thêm được một đơn hàng mới nào.
Đã vậy, họ liên tục nhận được các thông báo từ đối tác về giãn thời gian giao hàng, dừng nhận hàng vô thời hạn kể cả với các lô hàng đang trong quá trình sản xuất, hoặc chậm thanh toán... Rủi ro mất doanh thu càng cao khi nhiều khách hàng lớn ở nước ngoài thông báo “đang ở tình trạng chuẩn bị phá sản”.
Theo số liệu các doanh nghiệp cung cấp cho Hiệp hội Gỗ là Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), tính đến ngày 30/3/2020 đã có tới 80% người mua từ EU và Mỹ, 60-80% số người mua hàng ở Hàn Quốc và Nhật Bản thông báo dừng hoặc đang hủy đơn hàng, ở những đơn hàng chưa bị hủy thì bên mua đang yêu cầu giảm giá, ông Thang Văn Thông, Phó Tổng giám đốc Công ty Hào Hưng cho biết.
Một không khí ảm đạm bao chùm lên ngành xuất khẩu chủ lực này, với sự đình trệ xuất hiện ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ: từ nhập khẩu nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhu cầu thị trường thấp đang lấy đi nguồn thu của các hộ trồng rừng và xẻ gỗ, sản xuất và xuất khẩu đứt đoạn bòn rút lợi nhuận tích lũy của các doanh nghiệp, công nhân thất nghiệp đột nhiên buộc vào mình tình thế khó khăn…
Sản xuất “ăn đong”
“Lịch sản xuất phải điều chỉnh từng ngày. Đã vậy lại không thanh toán được tiền hàng”, đại diện Công ty TNHH Juma Phú Thọ - một trong những công ty sản xuất và xuất khẩu gỗ dán lớn nhất tại Việt Nam cho biết.
Đại dịch làm các dự án sử dụng đồ gỗ xây dựng như các công trình dân sinh, khách sạn, nhà hàng dừng hoạt động. Tiêu thụ hàng trong nước cũng gần như tê liệt. Các làng nghề chế biến gỗ đã thu hẹp quy mô hoạt động tới 70-80%.
Tổng hợp thông tin từ 124 doanh nghiệp ngành gỗ của VIFOREST cho thấy, trong đó 51% số doanh nghiệp cho biết đã phải thu hẹp quy mô sản xuất do dịch, 35% đang sản xuất nhưng sẽ tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới, 7 % đã ngừng hoạt động, và chỉ có 7% nói “hoạt động bình thường”.
Tác động của dịch tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp |
Tình hình dịch bệnh và tình hình kinh tế đầy bất định khiến cho nhiều doanh nghiệp cũng khó mà định đoạt rõ được những ngày trước mắt.
Trong số 35% đang sản xuất bình thường, có tới 16% cho biết sẽ ngừng sản xuất trong 1 tháng tới, 26% cho biết sẽ ngừng sản xuất trong 2 tháng tới, 7% sẽ ngừng sản xuất trong 3 tháng tới và 51 % chưa xác định được thời gian sẽ ngừng sản xuất trong bao lâu.
Trong nhóm các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động thì có 11% cho biết họ phải dừng hoạt động trong 3 tháng, 89% số còn lại cho biết chưa xác định được thời gian sẽ hoạt động trở lại.
Doanh nghiệp lao đao, công nhân mất việc
“Chỉ tính số đơn hàng bị hủy trong 2 tuần chúng tôi đã khoảng 4 triệu USD”, giám đốc một doanh nghiệp cho biết. Tổng hợp ước tính thiệt hại ban đầu do dịch bệnh từ 124 doanh nghiệp ngành gỗ này là 3.066 tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp đã thiệt hại 25 tỷ đồng.
Nhưng đó chỉ là những thiệt hại “đếm nhanh”, nếu tính kỹ hơn thì con số sẽ còn lớn hơn nhiều. Có 24% số doanh nghiệp được hỏi chưa xác định được thiệt hại. Nhiều doanh nghiệp cho biết 70% doanh thu của doanh nghiệp giảm 70%.
Nhưng, thiệt hại tổng thể còn lớn hơn nữa vì sẽ có rất nhiều người lao động mất việc làm cho dù các doanh nghiệp đang ngày ngày cố cầm cự sản xuất.
“Chúng tôi thường xuyên có khoảng 1.000 lao động làm việc, nhưng cuối tháng 3 chúng tôi phải giảm 300 người, mấy hôm trước chúng tôi cũng vừa giảm tiếp 300 người nữa chỉ giữ lại được 400 người”, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Lâm Việt cho biết.
Theo khảo sát của VIFOREST với 105 doanh nghiệp cho biết tổng số lao động trước khi có dịch là 47.506 người, nhưng đã phải cho 21.410 lao động nghỉ việc (45% số lao động). Đó là chưa kể hàng chục nghìn người ở các làng nghề đang phải nghỉ việc. Và chưa kể cả nghìn hộ gia đình làm nghề xẻ gỗ cũng đang “nghỉ dịch”.
Thay đổi về lao động trong doanh nghiệp gỗ do đại dịch |
Doanh nghiệp dừng hoạt động kéo theo hàng nghìn hộ gia đình làm nghề xẻ gỗ cũng hết việc.
“Toàn bộ khâu sản xuất phôi để cung cho các doanh nghiệp xuất khẩu hiện đang bị dừng lại”, ông Nguyễn Văn Thái, chủ xưởng xẻ gỗ Tây Cốc tại Đoan Hùng, Phú Thọ cho biết.
Cùng với đó, các hộ gia đình cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các xưởng xẻ phôi cũng mất nguồn thu.
“Tiền không về… công nợ nướng theo đại dịch”, ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty TAVICO chia sẻ tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp.
"Lần mò" qua thách thức
Trước tình trạng trên, mỗi doanh nghiệp mỗi tìm mỗi cách để thích ứng: áp dụng công nghệ, giao lưu trực tuyến với khách, bán hàng online được đẩy mạnh… Ngay như những doanh nghiệp và hộ sản xuất trong làng nghề Đồng Kỵ cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, sử dụng mạng xã hội và các kênh giao tiếp như zalo, email, tin nhắn… để quảng bá, bán hàng, tư vấn khách hàng online.
Tuy nhiên, hàng bán được “chưa đếm hết bàn tay”, một doanh nghiệp cho biết.
Một số giám đốc các doanh nghiệp chia sẻ tầm nhìn: Ngành cần có những hướng đi mới, cần thay đổi căn bản để phát triển bền vững. Đó là xác định các dòng sản phẩm và thị trường chiến lược, tăng liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, hướng đến cả thị trường ngoại lẫn thị trường nội, các kênh bán hàng hiện đại cũng cần đẩy mạnh và đổi mới kênh bán hàng truyền thống…
Nhưng, để làm được như tầm nhìn đó, để có được sự thay đổi đó thì nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp chưa đủ mà cần thêm sự trợ lực của Chính phủ để phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Áp lực đang đè nặng trên đôi vai của doanh nghiệp khi mà đơn hàng mất, doanh thu không có nhưng vẫn phải chi các khoản bắt buộc như đóng bảo hiểm, tiền thuê cửa hàng, thuê xưởng sản xuất…
Cho dù đã được giãn thời hạn nộp thuế nhưng nếu không có thêm sự trợ giúp của Chính phủ bằng việc cho miễn giảm những khoản như bảo hiểm, giảm lãi suất các khoản đang vay, cơ cấu lại nợ cũ…thì trong ít tháng nữa nhiều doanh nghiệp có thể vẫn phải “buông tay chờ phá sản”.