Trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới, song cũng là nhà nhập khẩu gỗ nguyên liệu lớn từ hơn 100 nước trên thế giới. Yêu cầu về gỗ nguyên liệu hợp pháp, cũng như trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hiện trở thành vấn đề "sống còn” từ nhiều năm nay của ngành sản xuất, chế biến gỗ của Việt Nam, nhất là đối với các DN xuất khẩu đi một số thị trường “khó tính”, quy chuẩn cao.
Hiện các quốc gia trên thế giới ngày càng có nhiều chính sách, quy định chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ để góp phần chống nạn khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp từ các nước xuất khẩu nguyên liệu lẫn nước sản xuất đồ gỗ. Điều đáng mừng Việt Nam là một trong những quốc gia có chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững từ lâu nên đáp ứng được đòi hỏi khắt khe từ thị trường nhập khẩu. Nhất là hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát gỗ hợp pháp của Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển ngành sản xuất chuỗi giá trị gỗ phát triển bền vững đã được thiết lập, vấn đề chính là triển khai thực hiện bảo đảm nguồn gốc gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào nước ta.
Trước đó, tại hội thảo kỹ thuật về sản xuất và thương mại nông sản không gây mất rừng do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và Tổng cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức, ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất, phụ trách Chính sách về Khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội - Phái đoàn EU cho biết, tháng 11/2022, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất xây dựng quy định về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng nhằm giảm thiểu rủi ro các sản phẩm trong chuỗi cung ứng liên quan đến phá, làm suy thoái rừng được nhập khẩu vào hoặc xuất khẩu từ EU. Tháng 12/2022, thỏa thuận chính trị sơ bộ giữa Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã được thông qua. Quy định này được thực thi sẽ tác động không nhỏ đến các DN và các quốc gia xuất khẩu nông sản vào thị trường EU.
“Trong thời gian tới, EU sẽ ban hành một số hướng dẫn, nhưng các quốc gia cũng phải chuẩn bị để kiểm soát trong chuỗi cung ứng của mình. Mặc dù, Việt Nam là quốc gia không có nguy cơ quá cao về mất rừng nhờ các chính sách bảo vệ rừng mà Chính phủ đã cam kết và thực thi trong thời gian qua, tuy nhiên Việt Nam vẫn cần tăng cường hơn kiểm soát chặt hơn nữa trong chuỗi cung ứng để sản phẩm nông sản Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường EU”, ông Rui Ludovino chia sẻ.
Doanh nghiệp ngành gỗ cần sẵn sàng thích ứng theo quy định mới của EU |
Bàn về vấn đề này, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định, từ năm 2018 Việt Nam và EU đã ký kết hiệp định đối tác tự nguyện để tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Vì vậy, đối với các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU, có thể sẽ không chịu tác động nhiều vì ở Việt Nam hiện nay không còn tình trạng chuyển đổi đất rừng tự nhiên do Việt Nam đã cấm khai thác rừng tự nhiên từ năm 2016 và Luật Lâm nghiệp cũng quy định điều này khá chặt chẽ. Song nói như vậy không có nghĩa các DN ngành gỗ có thể thờ ơ. Bên cạnh việc nắm rõ thông tin hướng dẫn cụ thể từ EU trong thời gian tới thì các DN ngành gỗ cũng cần chuẩn bị sẵn sàng thích ứng, đặc biệt chuẩn bị việc chứng minh nguồn gốc gỗ khai thác từ đất trước thời điểm 31/12/2020 đã là rừng trồng theo quy định của EU.