Ngành gỗ lấy lại phong độ
Lao động ngành gỗ: Cần thêm hỗ trợ để phát triển bền vững | |
Cơ hội thay da đổi thịt cho ngành gỗ | |
Ngành gỗ nỗ lực vượt qua đại dịch |
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, từ trước tới nay, chế biến gỗ vốn là ngành xuất khẩu mạnh của nền kinh tế của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 15% - 20%/năm, mang lại lượng ngoại tệ rất lớn. Đi qua quý I/2020, do tác động của dịch Covid-19, ngành chế biến gỗ cũng chịu ảnh hưởng lớn, khi có khoảng 80% các đơn hàng đã ký bị thông báo hủy hoặc chậm giao hàng. Điều đó khiến hàng ngàn container đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam bị tồn tại các cảng biển ở Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc.
Từ đầu năm đến nay, chỉ có 7% doanh nghiệp (trong 200 doanh nghiệp đồ gỗ được khảo sát) hoạt động bình thường, 86% doanh nghiệp ngừng sản xuất một phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động toàn bộ do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn đạt 3,5 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,3 tỷ USD, tăng 5%, lâm sản ngoài gỗ 208 triệu USD, tăng 14,3%. Đạt mức này là do đơn hàng được ký kết từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ (Mỹ), Châu Âu (EU) vẫn đạt mức tăng trưởng cao.
Ảnh minh họa |
Đối với thị trường Trung Quốc, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng vẫn có tốc độ tăng trưởng khá tốt do một số mặt hàng xuất khẩu chính là dăm mảnh và viên nén có nhu cầu lớn cho sản xuất giấy, phát điện và được vận chuyển bằng đường biển, ít bị ảnh hưởng, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, dự báo đến quý II/2020, tổng giá trị xuất khẩu gỗ sẽ giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 11,3% so với quý I/2020.
Đối diện với những khó khăn trước mắt, doanh nghiệp trong các hiệp hội ngành gỗ đang chủ động xây dựng chiến lược mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, theo nhu cầu giản tiện, giá rẻ của người tiêu thụ tại những thị trường còn chịu ảnh hưởng dịch bệnh như Mỹ, EU. Đặc biệt là tăng sản xuất sản phẩm phù hợp để phát triển thị trường trong nước.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa) cho hay, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu thời gian qua là thiếu nguyên liệu. Nhưng hiện nay, Việt Nam đã quy hoạch trồng nhiều loại gỗ như cao su, bạch đàn, keo, gỗ mỡ… với số lượng lớn, đáp ứng tốt nhu cầu gỗ nguyên liệu cho chế biến đồ nội thất gia dụng xuất khẩu. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong ngành còn liên kết để cung ứng đúng nhu cầu về gỗ nguyên liệu (cung cấp loại khách hàng cần, chứ không phải bán loại mình có). Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến gỗ (là doanh nghiệp hội viên của Bifa) cũng tích cực thay đổi cách tiêu thụ hàng hóa. Đó là đẩy mạnh việc bán đến tận tay khách hàng tiêu thụ cuối cùng, chứ không chỉ bán qua trung gian (nhà phân phối lớn) như từ trước đến nay. Các doanh nghiệp đang tích cực bán hàng online với nền tảng công nghệ tốt.
Theo ông Điền Quang Hiệp, qua thời gian đại dịch đầu năm 2020 này cho thấy, các doanh nghiệp gỗ từ trước đến nay chỉ bán hàng theo kiểu truyền thống, là bán trực tiếp tại cửa hàng, showroom. Khi thị trường xảy ra biến động (như trong thời gian dịch bệnh, các cửa hàng tạm ngưng hoạt động) thì doanh nghiệp cũng bất động, không bán được hàng. Điều này chỉ ra điểm yếu nhất của các doanh nghiệp ngành gỗ là chưa tận dụng được hệ thống bán hàng online. Để thay đổi và hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong ngành tại tỉnh Bình Dương, hiện nay Bifa đang hợp tác với hai doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu là Amazon và Alibaba trong việc chuyển đổi hình thức bán hàng. Cụ thể, hai đối tác này đang tiến hành các hoạt động đào tạo cho một số doanh nghiệp thành viên của Bifa để hình thành kênh thương mại điện tử chuyên dành cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Trước sự ứng phó tích cực của doanh nghiệp và những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp ngành gỗ kỳ vọng, sau khi dịch bệnh được khống chế tốt trên toàn cầu, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, xuất khẩu gỗ Việt Nam sẽ tăng khoảng 15% kim ngạch xuất khẩu so với năm 2019, ước đạt mức 3,8 tỷ USD/2020.