Lao động ngành gỗ: Cần thêm hỗ trợ để phát triển bền vững
Cơ hội thay da đổi thịt cho ngành gỗ | |
Ngành gỗ nỗ lực vượt qua đại dịch | |
Ngành gỗ bàn cách phục hồi, tăng tốc và bứt phá |
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong quý I/2020 giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 2,77 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2019. Mức tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng đầu năm phù hợp với quy luật của một số năm gần đây, do các đơn đặt hàng luôn được ký kết từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Tháng 4, giá trị xuất khẩu ngành gỗ đạt 734,2 triệu USD, lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu ngành gỗ đạt 3,5 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn không duy trì được mức tăng trưởng như kỳ vọng theo kế hoạch và còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tại một số quốc gia đang là thị trường chính của ngành gỗ Việt Nam như Mỹ, các quốc gia châu Âu, Australia, Canada hạn chế, hoặc ngừng nhập hàng hóa… đã ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu gỗ và lâm sản. Hiện có khoảng 80% các đơn hàng đã ký bị thông báo hủy hoặc chậm giao. Hàng ngàn container hàng bị tồn tại các cảng biển ở châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc…
Tập trung hơn vào thị trường trong nước đang là hướng đi của các DN |
Theo kịch bản được Tổng cục Lâm nghiệp đưa ra, đà suy giảm xuất khẩu gỗ sẽ tiếp tục trong quý II với dự báo tổng giá trị xuất khẩu sẽ đạt khoảng 2,18 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019. Phải từ quý III, tình hình mới bắt đầu khả quan với tổng giá trị xuất khẩu dự báo đạt khoảng 3,12 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Quý IV sẽ là thời điểm tăng trưởng cao nhất, dự kiến giá trị xuất khẩu sẽ đạt mức 3,82 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Kết quả khảo sát nhanh tại hơn 200 doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản cho thấy, 80% người mua dừng hoặc hủy đơn hàng, hầu hết các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản hoạt động bình thường, 86% đã ngừng sản xuất một phần, 7% doanh nghiệp ngừng sản xuất hoàn toàn do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên liệu và vốn đầu tư sản xuất…
Trong bối cảnh đó, ông Vũ Hải Bằng, Tổng giám đốc Công ty CP Woodsland tỏ ra băn khoăn với những quy định bất hợp lý về hỗ trợ đang làm khó doanh nghiệp như quy định phải bị ảnh hưởng do dịch bệnh đến suy giảm 50% tổng tài sản: “Nếu như trong thời gian ngắn mà đã suy giảm như thế thì coi như doanh nghiệp đó đã phá sản”. Hay quy định doanh nghiệp đó phải có 50% lao động nghỉ việc mới được hỗ trợ, trong khi không doanh nghiệp nào muốn lao động phải nghỉ việc, và nếu chậm đóng bảo hiểm thì không giải quyết bất kỳ chế độ nào với người lao động buộc phải nghỉ việc… Những điều này chứ thực sự hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, ông Bằng chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng nhấn mạnh mong muốn các chính sách hỗ trợ cho an sinh xã hội cần thiết thực hơn nữa. Bởi trong bối cảnh đại dịch vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản xuất, giảm giờ làm việc thông qua giảm ca, bố trí người lao động nghỉ việc luân phiên. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn hơn, không ít lao động phải nghỉ việc toàn bộ. Như vậy, sẽ có khoảng hơn 200 nghìn lao động ngành gỗ bị ảnh hưởng do dịch bệnh phải nghỉ việc luân phiên hoặc bị mất việc làm trong tháng 3 và tháng 4.
Ngoài ra, để duy trì được nguồn nhân lực sẵn sàng bảo đảm phục hồi sản xuất được ngay sau khi khống chế được dịch bệnh, các doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bị giãn hoặc mất việc. Qua khảo sát tại 124 doanh nghiệp, tổng số tiền các doanh nghiệp chi đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là 175 tỷ đồng; tương ứng với 2,15 tỷ/doanh nghiệp, đây là một gánh nặng đối với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ tổng hợp những ý kiến của doanh nghiệp, những bất cập về chính sách khi đi vào thực tiễn để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, qua đó có sự điều chỉnh sớm nhất, phù hợp thực tế của doanh nghiệp.
Đồng thời, bộ trưởng cũng yêu cầu hiệp hội và các doanh nghiệp cần tập trung khai thác thật tốt các thị trường ngách trong thời gian tới. Thị trường nào, quốc gia nào khống chế được dịch tốt thì cần phải tập trung khai thác ngay thị trường đó. Tất cả hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần rà soát lại chiến lược kinh doanh để có nguồn lực tốt nhất, sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi vào quý III và quý IV, hướng tới mục tiêu xuất khẩu gỗ năm 2020 đạt 12 tỷ USD. Đồng thời, cần tiếp tục tái cơ cấu ngành hàng sâu rộng hơn theo hướng hiện đại bền vững và xây dựng chương trình phát triển vùng nguyên liệu quốc gia đáp ứng đủ căn bản nhu cầu, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất và chế biến gỗ.
Đặc biệt, cần đặc biệt quan tâm chú ý đến thị trường trong nước với gần 100 triệu dân. Đây là thị trường rất tiềm năng và cần tạo lợi thế để có tương lai tốt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.