Ngành gỗ nỗ lực vượt qua đại dịch
Khó khăn chồng chất
Theo ông Trần Anh Vũ, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (Bifa), doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn do các thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam là Hoa Kỳ (Mỹ), châu Âu (EU), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật… đang bị tác động của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng mạnh đến khả năng nhận hàng, phân phối và tiêu thụ đồ gỗ. Vì vậy, nhiều khách hàng đã hoãn nhận hàng theo đơn hàng đã ký, chậm thanh toán tiền vì nhân viên phải nghỉ tránh dịch bệnh. Và để ký đơn hàng mới, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sẽ phải chờ từ 3 - 6 tháng tới. Đối với doanh nghiệp đang sản xuất trong ngành gỗ, từ đầu năm đến nay đã có trên 80% đơn hàng bị hủy, hơn 90% doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Đến nay, khi dịch bệnh đã giảm, nhiều nước bắt đầu mở cửa trở lại, thì doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đối mặt với khó khăn về nguồn cung gỗ nguyên liệu (do hạn chế vận chuyển, gián đoạn từ thị trường Trung Quốc, chưa tìm được thị trường mới). Các thị trường lớn nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam như Mỹ (chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam), EU (chiếm 10%), Nhật Bản tiêu thụ khoảng 13% các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam thì dịch đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp ngành gỗ. Doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ vẫn đang liên tục nhận thông báo đơn hàng bị cắt giảm, chậm thanh toán và thậm chí là hủy đơn hàng.
Ảnh minh họa |
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, không chỉ xuất khẩu ngưng trệ, giảm sút mà rất nhiều doanh nghiệp trong ngành hiện còn phải giảm nhập khẩu gỗ nguyên liệu và tạm ngưng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp còn lại thì tận dụng nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Châu Phi còn tồn kho để sản xuất trong 4 - 6 tháng tiếp theo. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp lớn nhỏ trong ngành chỉ duy trì sản xuất khoảng 30% - 50% đến cuối năm, do chưa thấy dấu hiệu tăng đơn hàng khả quan.
Tìm đường thoát khó
Trước những khó khăn trên, lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề xuất do dịch bệnh, giá dăm gỗ giảm sút đồng thời sản xuất gỗ dán bị mất hai thị trường chính là Hàn Quốc và Mỹ, đề nghị Chính phủ xem xét và miễn thuế xuất khẩu dăm gỗ cho doanh nghiệp từ tháng 3 đến tháng 12/2020. Miễn thuế xuất khẩu dăm gỗ sẽ giúp bình ổn giá thu mua nguyên liệu rừng trồng để người dân tiếp tục trồng rừng, duy trì nguồn cung ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp gỗ.
Bên cạnh đó, hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ nhanh chóng thực hiện gói hỗ trợ 50% lương tối thiểu cho người lao động tạm mất việc làm do dịch bệnh và cho vay không lãi để doanh nghiệp chi trả 50% còn lại nhằm bảo tồn lực lượng sản xuất của ngành công nghiệp gỗ. Trong trung và dài hạn, cần có chính sách thúc đẩy liên kết chuỗi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đồ gỗ và trang trí nội thất trong nước; tập trung phát triển cơ chế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, bao gồm cả các doanh nghiệp xưởng xẻ, nhằm kết nối người dân với doanh nghiệp tốt hơn, kết hợp với quảng bá, ưu tiên các sản phẩm của làng nghề, đặc biệt là các sản phẩm từ rừng trồng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa.
Ông Ngô Sỹ Hoài cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét miễn thuế xuất khẩu 25% đối với mặt hàng gỗ xẻ phôi có nguồn gốc gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước quản trị rừng, cụ thể là gỗ sồi xẻ, gỗ tần bì, gỗ bạch dương và gỗ thông. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất toàn cầu tạo việc làm cho người lao động góp phần giải quyết lượng gỗ nguyên liệu tồn kho rất lớn hiện nay. Đồng thời, bổ sung kim ngạch xuất khẩu khi các nhóm sản phẩm khác gặp khó khăn. Ngoài ra, việc xuất khẩu sản phẩm này không ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ của nước ta.
“Hiện nay, dù có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành gỗ và chế biến gỗ, phục hồi sản xuất sau dịch bệnh Covid-19 nhưng để chính sách đến được với doanh nghiệp cần phải có biện pháp tháo gỡ vướng mắc như thủ tục, tài liệu chứng minh thiệt hại, giảm thu nhập…”, ông Hoài đề nghị.