Ngành Ngân hàng Phú Thọ: Nỗ lực đồng hành cùng địa phương phát triển kinh tế
6 tháng đầu năm 2021, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19... Song, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và Cấp ủy, Chính quyền địa phương, cụ thể hóa và triển khai đồng bộ, kịp thời chính sách tiền tệ, tín dụng trên địa bàn, nhất là các giải pháp đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương, thể hiện rõ vai trò, vị thế ngành Ngân hàng trong hệ thống chính trị và nền kinh tế.
*********
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, ông Phạm Trường Giang cho biết, từ kinh nghiệm triển khai năm 2020, ngay từ đầu năm nay, NHNN tỉnh cùng hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã xác định rõ chủ động chống dịch thay vì phòng ngự như năm trước. Chính vì vậy, cùng với việc xây dựng và chỉ đạo các TCTD triển khai thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và kế hoạch hoạt động ngân hàng năm 2021 theo các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam cũng như UBND tỉnh Phú Thọ, từ NHNN đến các TCTD đều xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm các phương án, kịch bản ứng phó, các biện pháp y tế đảm bảo sức khỏe cho các cán bộ ngân hàng cũng như nhân dân đến tham gia giao dịch, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng.
NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã đưa ra cảnh báo với các ngân hàng, TCTD hiện tượng “bong bóng” đầu tư kinh doanh bất động sản, “lan đột biến”... Đồng thời, hướng dòng tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Đồng chí Phạm Trường Giang, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ chủ trì Hội nghị |
Cùng với sự nỗ lực cao của các ngân hàng và TCTD, kết quả hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng trên địa bàn có nhiều khởi sắc. Đến 30/6/2021, tổng nguồn vốn huy động đạt 66.592 tỷ đồng, so cùng kỳ năm trước tăng 7.162 tỷ đồng (tăng 12,1%) và tăng 3.521 tỷ đồng (tăng 5,58%) so với cuối năm 2020; đạt 92% kế hoạch năm 2021. Tiền gửi có kỳ hạn từ dân cư tiếp tục duy trì tăng trưởng, giúp cho các ngân hàng cân đối nguồn vốn, cải thiện khả năng thanh khoản và thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo vốn cho nền kinh tế.
6 tháng đầu năm lãi suất cho vay tiếp tục được điều chỉnh giảm (mức giảm đến 1,9%/năm). Các ngân hàng, TCTD đã thực hiện tốt chính sách giảm lãi suất cho các khoản vay trước đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Dư nợ có chiều hướng tăng ở mức lãi suất thấp (từ 5,5%-9%) và giảm ở mức lãi suất cao (trên 11%). Điều này cho thấy các chi nhánh ngân hàng và QTDND trên địa bàn vẫn đang tiếp tục thực hiện tốt, tích cực giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, qua đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Cũng trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã tiếp nhận và thẩm định trên 65.165 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng (không bao gồm hệ thống QTDND), trong đó 98,4% bộ hồ sơ đủ điều kiện và được giải quyết cho vay, chiếm 1,6%/tổng số bộ hồ sơ đề nghị không được xét duyệt do dự án, phương án sản xuất kinh doanh chưa khả thi, không có khả năng tài chính để đảm bảo trả nợ trong thời gian cam kết...
Mặc dù số bộ hồ sơ vay giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, song tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm 2020. Tổng dư nợ cho vay 6 tháng đầu năm 2021 đạt 78.458 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng 11.941 tỷ đồng (tăng 18%) và tăng 6.467 tỷ đồng (tăng 8,98%) so với cuối năm 2020; đạt 97% kế hoạch năm 2021. Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế, trong đó tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có tiến triển tích cực và phục hồi mạnh mẽ. Có được kết quả này là nhờ các cấp chính quyền địa phương, hệ thống ngân hàng đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 và các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế đã phát huy hiệu quả.
*********
Sự sôi động và phục hồi của nền kinh tế tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp càng thấy rõ qua tốc độ của dòng chảy vốn. 6 tháng đầu năm 2021, doanh số cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt trên 10.500 tỷ đồng; 253.040 khách hàng còn dư nợ với 26.000 tỷ đồng, chiếm 34,3%/tổng dư nợ trên địa bàn, tăng 1.637 tỷ đồng (tăng 6,7%) so với năm 2020. 188.777 khách hàng được tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng nông thôn mới, dư nợ 19.380 tỷ đồng, chiếm 25%/tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 808 tỷ đồng (tăng 4,3%).
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, các TCTD đã giải ngân cho vay 932 doanh nghiệp với số tiền 22.567 tỷ đồng. Đến 30/6/2021, có 2.270 doanh nghiệp còn dư nợ đạt 31.625 tỷ đồng, chiếm 40,3%/tổng dư nợ trên địa bàn, tăng 481 tỷ đồng (tăng 1,5%) so với năm 2020; trong đó cho vay mới theo Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với 252 doanh nghiệp, doanh số đạt 1.600 tỷ đồng, với dư nợ đạt 2.500 tỷ đồng; đã cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất cho 102 khách hàng, với dư nợ 33,6 tỷ đồng.
Các ngân hàng trên địa bàn luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp |
Hoạt động tín dụng còn trở thành một động lực thúc đẩy giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tạo đà phát triển bền vững cho tỉnh thông qua các chương trình phát triển của tỉnh. Như chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, đã cho vay sản xuất lương thực đạt 340 tỷ đồng; chương trình phát triển cây chè và chế biến chè đạt 705 tỷ đồng; chương trình phát triển thủy sản đạt 310 tỷ đồng; phát triển rừng sản xuất đạt 1.420 tỷ đồng. Với chương trình sản xuất nông nghiệp khuyến khích, cho vay phát triển đàn lợn thịt, bò thịt chất lượng cao đạt 1.700 tỷ đồng; cho vay phát triển cây ăn quả đạt 70 tỷ đồng; cho vay phát triển cận đô thị đạt 860 tỷ đồng. Các đối tượng người nghèo và yếu thế thiếu việc làm tiếp tục được hỗ trợ phát triển từ chương trình tín dụng của NHCSXH với tổng dư nợ đạt 4.708 tỷ đồng, so với năm 2020 tăng 208 tỷ đồng (tăng 6,3%)...
Đặc biệt trong bối cảnh nhiều khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngân hàng, TCTD luôn kịp thời tổ chức rà soát đánh giá mức độ thiệt hại và chủ động làm việc, hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là các khách hàng sản xuất kinh doanh. Với tổng số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là 11.376 tỷ đồng (chiếm 14,5%/tổng dư nợ cho vay). Lũy kế từ khi Thông tư 01 được triển khai thực hiện đến nay, tổng giá trị nợ được các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 2.824 tỷ đồng, với 462 khách hàng. Đồng thời, triển khai cho vay mới theo các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng do dịch, với doanh số cho vay đạt 41.069 tỷ đồng, dư nợ đạt 5.923 tỷ đồng, với 3.181 khách hàng còn dư nợ.
Ngoài ra, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tiếp tục chú trọng công tác quản lý rủi ro, giảm phí các dịch vụ, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đẩy mạnh các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn để đồng hành, chia sẻ khó khăn cho khách hàng. Nợ xấu vì thế của các ngân hàng, TCTD giảm 2,7% so cuối năm 2020. Nợ xấu chiếm tỷ lệ 0,77% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn.
Những nỗ lực của ngành Ngân hàng Phú Thọ đã góp phần đưa tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 6,22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,78%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,25%; khu vực dịch vụ tăng 6,28%... Tuy nhiên, những khó khăn nội tại trong phát triển kinh tế của tỉnh vẫn còn đó, như nguồn lực phát triển kinh tế còn hạn chế, phát triển công nghiệp, dịch vụ khó khăn, nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi giá trị chưa nhiều. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, năng lực quản trị và năng lực tài chính còn hạn chế.
Vì vậy, để hoàn thành tốt kế hoạch ngành Ngân hàng trên địa bàn đã đề ra đầu năm 2021 và thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Chính phủ và NHNN Việt Nam, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ Phạm Trường Giang cho biết, Chi nhánh sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thống đốc NHNN và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để tham mưu và chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng cuối năm 2021. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng, TCTD bám sát kế hoạch kinh doanh để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2021; tập trung ưu tiên vốn cho các chương trình kinh tế trọng điểm, các lĩnh vực ưu tiên; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. NHNN tỉnh sẽ cùng các TCTD phố́i hợp với các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.