Ngành Ngân hàng Phú Yên nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”
Thưa ông, mới đây trên địa bàn Phú Yên đã có ca lây nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng. Điều đáng nói, tình hình dịch bệnh khá phức tạp với tốc độ lây nhiễm khá nhanh. Trước tình hình trên, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã ứng phó thế nào?
Ngay sau khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện ca nhiễm Covid-19, NHNN chi nhánh tỉnh đã có công văn yêu cầu các TCTD triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch, như: Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống tại trụ sở, nơi giao dịch; bảo đảm cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm thông điệp 5K; phải khai báo y tế nếu đi ra tỉnh, thành ngoài hoặc đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh...
Chi nhánh NHNN cũng đã yêu cầu các TCTD, không tổ chức tập trung đông người dưới mọi hình thức, trừ những cuộc họp khẩn cấp không thể trì hoãn, nhưng phải đảm bảo tuân thủ nghiêm thông điệp 5K. Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị tiến hành khử khuẩn tiền mặt, vật dụng khác, phương tiện vận chuyển... TCTD cũng phải tăng cường đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong công tác phòng chống đại dịch; đăng ký mã QRCode cho cơ quan, thực hiện việc kiểm soát khách ra vào thông qua QRCode. Hằng ngày, các đơn vị đều phải báo cáo tình hình phòng chống Covid-19 về chi nhánh NHNN tỉnh, kể cả thứ Bảy và Chủ Nhật...
Ngành Ngân hàng Phú Yên đã và đang nỗ lực thực hiện tốt “mục tiêu kép” |
Tại chi nhánh NHNN tỉnh, quán triệt, cập nhật đầy đủ nội dung văn bản chống dịch của các cấp đến toàn thể công chức và người lao động, yêu cầu thực hiện nghiêm túc. Đối với giao dịch ngân quỹ, thực hiện nghiêm việc khử khuẩn tiền trước và sau khi đóng bao nhập kho, thực hiện cách ly tiền trước khi đưa ra lưu thông. Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch với nhiều cấp độ để ứng phó với diễn biến, tình hình dịch bệnh cụ thể.
Dịch bệnh đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân. Vậy ngành Ngân hàng Phú Yên đã có những giải pháp cụ thể nào để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp?
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của các cấp, nhất là của NHNN Việt Nam, NHNN tỉnh đã quán triệt và khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
NHNN chi nhánh tỉnh thành lập Tổ tiếp nhận, xử lý khó khăn, vướng mắc và thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn cũng như phản ánh, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân, hiệp hội trên địa bàn. Tổ chức buổi làm việc với các cơ quan chức năng và các TCTD nhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, người dân đang gặp phải do ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp, người dân sớm ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh.
Với tình hình, diễn biến mới, phức tạp của đại dịch Covid-19, chi nhánh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp một cách gián tiếp: thông qua các sở, ban, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp… nắm bắt nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp chuyển đến các TCTD, và cũng thông qua các tổ chức này, chuyển các sản phẩm tín dụng đến các doanh nghiêp. Trên cơ sở đó kết nối, giải quyết tốt hơn nhu cầu vốn cho doanh nghiệp dù rằng dịch bệnh vẫn đang diễn ra.
NHNN tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các TCTD chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từ đó, áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới; đồng thời báo cáo, đề xuất, kiến nghị các nội dung liên quan trong quá trình triển khai cho NHNN chi nhánh để xử lý theo thẩm quyền và tổng hợp báo cáo NHNN, UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các nội dung phát sinh vượt thẩm quyền.
Về phía các TCTD trên địa bàn cũng đã chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từng TCTD căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết. Bên cạnh đó, các đơn vị đồng loạt triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử, phí thanh toán trực tuyến nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian dịch Covid-19...
Với những giải pháp cụ thể như vậy, kết quả hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp thế nào thưa ông?
Có thể nói trong thời gian qua, các TCTD trên địa bàn Phú Yên đã thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hộ dân vay vốn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 và Công văn 1370/NHNN-TD ngày 5/3/2021 của NHNN.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 5/2021, các NHTM trên đia bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 52 khách hàng (24 cá nhân và 28 doanh nghiệp). Dư nợ được cơ cấu lại là 194 tỷ đồng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 25 khách hàng (19 cá nhân và 6 doanh nghiệp) với dư nợ đã được miễn giảm, lãi là 524,2 tỷ đồng, số lãi được miễn, giảm là 3 tỷ đồng.
Thời gian tới, NHNN tỉnh sẽ tiếp tục yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch; trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đúng quy định theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và theo hướng dẫn của hội sở nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân trên địa bàn. NHNN chi nhánh Phú Yên cũng sẽ tập trung đôn đốc, kiểm tra, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền trong quá trình thực hiện chính sách nói trên theo quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Các TCTD trên địa bàn cũng chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng làm xấu đi môi trường kinh doanh ở địa phương, nhất là lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn nhà hàng; nông, lâm ngư nghiệp; vận tải, kho bãi... Điều này cũng tác động tiêu cực hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn. Tuy nhiên trong bối cảnh có nhiều khó khăn, song các TCTD vẫn phải thực hiện tiết giảm chi phí, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới, điều chỉnh kỳ hạn nợ… Từ đó, tạo áp lực kinh doanh đối với các TCTD. |
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)