Người Việt tiêu thụ nhiều thủy sản ngoại
Để ngành thủy sản phát triển bền vững | |
Xuất khẩu thủy sản hướng đến mục tiêu 9 tỷ USD | |
Xuất khẩu thủy sản cuối năm khó đạt mức tăng trưởng cao |
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản, thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, hiện nay Việt Nam không chỉ là nhà xuất khẩu thủy sản lớn, mà còn là thị trường tiêu thụ thủy sản tiềm năng của nhiều quốc gia khác. Thị trường tiêu thụ thủy hải sản Việt Nam được đánh giá là rất có tiềm năng bởi nhiều yếu tố: sự phát triển nhanh chóng của hệ thống nhà hàng, khách sạn phục vụ cho khách du lịch quốc tế và nội địa; dân số trong độ tuổi tiêu dùng cao, mức thu nhập bình quân của người dân (nhất là ở khu vực đô thị) tăng mạnh, đi kèm xu hướng chọn bữa ăn ngoài gia đình của giới trẻ… Tất cả đã tạo nên một thị trường tiêu thụ thủy hải sản đa dạng, nhiều phân khúc, là cơ hội cho doanh nghiệp tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều loại thủy hải sản để cung cấp cho thị trường nội |
Hiện nay, có khoảng 40 thị trường lớn cung cấp thủy sản cho Việt Nam là Na Uy, Ấn Độ, Đông Nam Á, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong đó, một số quốc gia là nguồn cung thủy sản dùng cho chế biến hàng xuất khẩu tại Việt Nam như Ấn Độ (11 tháng trong năm 2019 chiếm 11,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của cả nước). Tiếp đến là các nước khu vực Đông Nam Á, đã tăng đến 34,7% kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 10,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của cả nước. Trung Quốc cũng tăng 19,9%, Indonesia tăng 22,6%…
Các thị trường khác là Chile, Đài Loan, Thái Lan đều gia tăng xuất khẩu thủy hải sản sang Việt Nam theo từng năm. Riêng kim ngạch thủy sản nhập khẩu cho tiêu dùng cũng liên tục tăng mạnh trong 11 tháng của năm 2019 như kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản tăng 23,5%, Na Uy tăng 22%, Hoa Kỳ (Mỹ) tăng đến 63,5%...
Ở các kênh bán lẻ tại thị trường nội địa của Việt Nam, người tiêu dùng hiện có thể dễ dàng mua các loại thủy hải sản nước lạnh (cả tươi sống và đông lạnh) như tôm hùm của Na Uy và Canada, cá tuyết, cá hồi Đan Mạch, cua hoàng đế Nhật Bản hay Canada, bào ngư, bạch tuộc lớn (con trên 3 kg) Hàn Quốc, ốc vòi voi của Mexico, Hoa Kỳ (Mỹ)…
Việc phân phối thủy hải sản nhập khẩu trên thị trường bán lẻ cũng không còn giới hạn tại các nhà hàng quán ăn lớn hay siêu thị, mà tại nhiều chợ lẻ cũng kinh doanh một số loại thủy hải sản nhập khẩu tươi sống và đông lạnh. Riêng tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP. Hồ Chí Minh), hiện có trên 100 chủng loại thủy hải sản nhập khẩu từ nhiều nước. Nhiều nhất trong đó là cá hồi, cua, tôm, mực, bạch tuộc…
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep cho biết, từ 3 năm trở lại đây, lượng thủy hải sản mà Việt Nam nhập khẩu ngày càng tăng, cả về số lượng và chủng loại, mức tăng trung bình từ 15% - 40%, trong đó nhiều nhất vẫn là nhập khẩu nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu (tôm, mức, nhuyễn thể…), còn lại là nhập khẩu sản phẩm đông lạnh, gần đây hơn là nhóm thủy hải sản tươi sống chất lượng cao, dành cho tiêu dùng nội địa. Tổng trị giá nhập khẩu thủy hải sản trong 11 tháng/2019 lên đến 1,60 tỷ USD và dự báo cả năm 2019 sẽ tăng đến gần 2 tỷ USD, do thị trường đang vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm và chuẩn bị Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sắp đến.
Theo bà Nguyễn Ngọc Hoa, tiểu thương quầy 1324 Cửa Bắc chợ Bến Thành (quận 1, TP. Hồ Chí Minh), hiện nay các sạp hàng cá trong chợ đã bắt đầu đặt hàng dự trữ bán Tết. Tuy cá tôm Việt Nam rất phong phú, nhưng nhiều người vẫn muốn dùng thủy sản nhập khẩu cao cấp, vì vậy tiểu thương trong chợ chuẩn bị sẵn nguồn hàng nhập khẩu trên 50 chủng loại (tôm, cua, bào ngư, vẹm xanh, cá tuyết, phi lê cá hồi…) để bán. Hiện nay, giá thủy hải sản nhập khẩu không còn quá đắt đỏ, cộng với mức sống của người dân đã khá giả hơn, nên hàng ngoại vẫn tiêu thụ tốt. Vì thế, các tiểu thương ở chợ luôn chuẩn bị nguồn cung thủy sản ngoại nhập ổn định để đáp ứng nhu cầu của khách.