Kinh tế hồi phục, CASA cũng sẽ cải thiện
Nỗ lực giữ CASA CASA - Đón "quả ngọt" từ chuyển đổi số |
Ông nhận định thế nào về tiềm năng của các kênh đầu tư trong thời gian tới?
Hiện nay, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản vẫn còn bấp bênh, chưa có dấu hiệu ổn định trở lại, dù đã “ấm” hơn nhiều so với thời gian trước. Còn với vàng, từ trước đến nay vẫn là kênh đầu tư kém hấp dẫn tại Việt Nam vì thanh khoản không cao và biến động về giá cả cũng rất khó lường, phụ thuộc nhiều vào tình hình thế giới. Trong khi đó, nhiều yếu tố bất định trong nền kinh tế khiến người dân có xu hướng tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn. Chính vì vậy, dù lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm trong vài tháng qua nhưng dòng tiền nhàn rỗi vẫn chọn ngân hàng. Minh chứng là theo số liệu thống kê của NHNN đến thời điểm tháng 8/2023, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng kỷ lục. Trong đó, tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng của dân cư đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 6,43 triệu tỷ đồng.
Đó là tiết kiệm có kỳ hạn còn đối với tiền gửi không kỳ hạn trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
Có thể nhận thấy, tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) trong một vài quý gần đây đang có dấu hiệu sụt giảm ở các nhà băng. Một phần do kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân giảm sút, vì vậy tiền trong tài khoản thanh toán sẽ vơi đi ít nhiều. Mặt khác, lãi suất huy động của ngân hàng tăng cao từ cuối năm 2022, một bộ phận người dân đã chuyển sang gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao.
CASA giảm, NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) mỏng dần đã gây áp lực đáng kể tới biên lợi nhuận của các ngân hàng thời gian qua, với lợi nhuận tăng trưởng chậm lại rõ rệt so với cùng kỳ các năm trước. Do đó, các nhà băng đều đang tích cực có nhiều biện pháp để thu hút nguồn vốn rẻ này trở lại. Dự báo tỷ lệ này sẽ được hồi phục khi mà nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, thu nhập của người dân tăng hơn, tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán sẽ nhiều hơn giúp cho CASA của ngân hàng được cải thiện.
Phải khẳng định rằng, CASA có vai trò quan trọng trong bối cảnh chi phí vốn đang gây áp lực tới tăng trưởng của các ngân hàng. CASA mang lại lợi ích kép cho ngân hàng khi vừa tranh thủ được nguồn vốn, vừa không phải chi trả lãi suất cao cho khách hàng. CASA sẽ là “cứu cánh” để các nhà băng giảm bớt phần nào áp lực chi phí hoạt động.
Đó cũng là lý do trong những năm qua, nhiều ngân hàng xác định tăng tỷ lệ CASA là một trong những mục tiêu quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Nhà băng nào giữ được CASA ổn định và vượt trội sẽ có được lợi thế để vượt qua khó khăn, thách thức của thị trường.
Theo ông, các nhà băng nên tăng CASA bằng cách nào?
CASA là nguồn vốn có chi phí thấp, giúp các nhà băng gia tăng hiệu quả hoạt động, tối ưu lợi nhuận. Chính vì vậy, các ngân hàng đang đẩy mạnh thu hút CASA bằng việc tích cực số hoá, miễn giảm phí dịch vụ. Nhờ vậy, tỷ lệ CASA của nhiều ngân hàng đã đạt trên 30% trong tổng huy động vốn. Thậm chí có những ngân hàng có thời điểm kinh tế thuận lợi đã tiệm cận mức 50%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng CASA thì cần có những cách làm mới, sáng tạo hơn để thu hút người dân mở tài khoản thanh toán, đầu tư vào việc tăng trải nghiệm người dùng, tăng cường bảo mật đem lại sự yên tâm cho khách hàng. Ngoài ra, các TCTD cũng đang phải cạnh tranh quyết liệt với nền tảng ví điện tử, công ty công nghệ tài chính cung cấp những dịch vụ thanh toán đa dạng, tiện lợi hơn. Những công ty này không tiếc tiền đổ vào các chương trình khuyến mãi, giảm giá với chiến lược “đốt tiền” để lấy được người dùng.
Chính vì vậy, ngân hàng cần đi sâu vào phân khúc khách hàng ở lĩnh vực thế mạnh và thiết kế sản phẩm dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong các lĩnh vực trọng tâm này. Bởi khi sản phẩm, dịch vụ bám sát nhu cầu của khách hàng thì sẽ được đón nhận và sử dụng nhiều hơn.