Ngân hàng đối mặt với bài toán CASA giảm
Nhân lực số: Gắn tuyển dụng với đào tạo tại chỗ | |
Số hóa ngân hàng thúc đẩy kinh tế - xã hội | |
Những thách thức trong đảm bảo an toàn bảo mật |
Trong bối cảnh NIM của các ngân hàng đang ngày càng “mỏng” do lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động, CASA được đánh giá sẽ là “cứu cánh” để các nhà băng giảm bớt phần nào áp lực chi phí hoạt động. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý I/2023 được các ngân hàng công bố mới đây, CASA của các NHTM đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh.
Đơn cử tại Techcombank - vốn thuộc Top ngân hàng có tỷ lệ CASA cao trong Ngành cũng đã ghi nhận sự sụt giảm quý thứ tư liên tiếp, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank cuối tháng 3 là 124.000 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA giảm từ 37% xuống 32%. So với kỷ lục từng đạt được hơn 50% đầu năm 2022, tỷ lệ CASA của Techcombank đã giảm tới 18%.
Không chỉ Techcombank, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận sự sụt giảm. Đơn cử như MB mặc dù đang là ngân hàng giữ vị trí cao nhất về tỷ lệ CASA, nhưng trong quý I/2023, tỷ lệ CASA giảm từ 40,6% xuống 35,5%. Tại MSB, tỷ lệ CASA giảm từ 31,1% hồi đầu năm xuống còn 22,6%. Một loạt ngân hàng cũng ghi nhận sụt giảm với mức độ khác nhau như ACB, TPBank, VIB…
Lý giải về việc tỷ lệ CASA toàn Ngành giảm mạnh, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn có xu hướng tăng cao tác động không nhỏ đến tỷ lệ CASA. Trong báo cáo mới nhất, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tăng nhanh, hấp dẫn dòng tiền chảy vào tài khoản tiết kiệm, nhất là khi nhiều NHTM có chính sách khuyến khích gửi tiết kiệm online; cùng với việc các doanh nghiệp rút tiền phục vụ nhu cầu về vốn hoạt động và thực hiện thanh toán các nghĩa vụ tài chính, trong đó có mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn khiến tiền trên tài khoản thanh toán giảm.
Dự báo về CASA thời gian tới, các chuyên gia CTCK Yuanta cho rằng, tỷ lệ CASA của ngành Ngân hàng có thể sẽ được cải thiện hơn trong nửa cuối năm khi lãi suất hạ nhiệt. Tuy nhiên, trước mắt các ngân hàng đang phải đối mặt với khó khăn khi NIM giảm và tín dụng đang tăng trưởng chậm.
Trong bối cảnh khó khăn đó, CASA sẽ là yếu tố then chốt để quyết định vị thế và tiềm lực của một ngân hàng. CASA càng cao, chi phí vốn của ngân hàng đó càng thấp, NIM được cải thiện, giúp ngân hàng có được lợi thế cạnh tranh tốt hơn đối thủ. Theo CTCK VNDirect, những ngân hàng nào sở hữu tỷ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp trong năm nay. Chính vì vậy, các ngân hàng muốn giữ được vị thế cần tích cực để có biện pháp thu hút nguồn vốn rẻ này.
VCBS đánh giá, tiềm năng từ khách hàng bán lẻ còn rất lớn khi tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam hiện ở mức 66%, thấp hơn so với các nước trong khu vực. Ngân hàng nào ghi nhận lượng khách hàng cá nhân thường xuyên dồi dào sẽ có được nguồn vốn huy động dồi dào hơn và duy trì lợi thế chi phí vốn thấp.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế, đang có hiện tượng tài khoản thanh toán mới mở tăng, nhưng CASA vẫn sụt giảm. Lý giải điều này, TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến, yếu tố cạnh tranh đang ngày càng lớn, các nhà băng đều không tiếc tay tung ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích người dùng mở tài khoản với chính sách phí 0 đồng cho nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số… Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến tình trạng nhiều người mở tài khoản không sử dụng, lượng tài khoản “ảo” lớn, CASA không tăng mà lại tốn nhiều chi phí. Chính vì vậy, ngoài việc thúc đẩy mở mới tài khoản thanh toán, ngân hàng cần đi sâu hơn về “chất” đó là đầu tư mạnh hơn về dịch vụ thanh toán, tư vấn, chăm sóc khách hàng, thông qua nhiều cách như lập đội nhân viên riêng để tư vấn cho khách hàng VIP, cùng nhiều dịch vụ đi kèm như bảo lãnh, bao thanh toán… Ngoài ra, tích cực đầu tư ngân hàng số, nâng cao trải nghiệm người dùng, tăng hiệu quả và sự tiện lợi khi sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, từ nay đến cuối năm, nâng tỷ lệ CASA sẽ là một bài toán khó. Một phần do mức độ cạnh tranh giữa các nhà băng đang ngày càng tăng lên, một phần do các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… cũng đang dần “sôi động trở lại”. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn và nhiều người dân vẫn có thói quen “ăn chắc mặc bền” và để một khoản tiền nhất định trong tài khoản thanh toán sử dụng trong trường hợp cần thiết. Mặt khác, tỷ trọng CASA hiện nay của toàn hệ thống vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng. Chính vì vậy, cuộc đua thu hút CASA tiếp tục sôi động, ngân hàng nào càng mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng thì sẽ càng chiếm được ưu thế. Nhất là ngân hàng nào chuyển đổi số mạnh mẽ có lợi thế lớn trong cuộc đua này.
Thực tế như tại MB, Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái cho biết, sau 3-5 năm chuyển đổi số, số lượng giao dịch của MB tăng vọt từ Top 10 lên Top 1 thị trường, do hầu hết khách hàng của MB lựa chọn giao dịch trên kênh số. MB đang có 20 triệu khách hàng. Năm 2023 ngân hàng kỳ vọng sẽ thu hút thêm 5-7 triệu khách hàng.