Nhận diện vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ
Ngân hàng tận lực hỗ trợ doanh nghiệp Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng khi chấp nhận thanh toán số |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Từ câu chuyện hồi sinh của ba doanh nghiệp
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (SXKD), thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô ngày 14/3, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, năm 2023, dù gặp nhiều thách thức nhưng tập đoàn đã vượt qua những khó khăn và đạt được một số kết quả tích cực như: Doanh thu đạt hơn 57.000 tỷ đồng, lợi nhuận gần 3.500 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.700 tỷ đồng; đảm bảo công ăn việc làm cho gần 20.000 lao động, với thu nhập bình quân 13,6 triệu đồng/người/tháng.
Ngành công nghiệp hóa chất được xác định là một trong sáu ngành công nghiệp nền tảng, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Câu chuyện đáng chú ý hơn ở tập đoàn này là có ba doanh nghiệp trực thuộc (gồm: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai) từng nằm trong các dự án yếu kém của ngành Công Thương. “Đây là ba đơn vị âm vốn chủ sở hữu, thua lỗ nhiều năm, dẫn đến tình trạng rất khó để thoả mãn các yêu cầu về tín dụng để được cấp vốn”, ông Nguyễn Phú Cường cho biết. Tuy nhiên trong quá trình cơ cấu lại những đơn vị này, các ngân hàng đã có sự giúp đỡ rất nhiều trong việc bảo đảm vốn và dòng tiền. Nhờ đó ba đơn vị này trong những năm trở lại đây đã hoạt động SXKD có lãi. Năm 2022, tổng lợi nhuận của ba đơn vị đạt được 2.700 tỷ đồng; năm 2023 đạt 1.300 tỷ đồng, công suất huy động sản xuất đạt hơn 90% công suất thiết kế.
“Việc cơ cấu lại các khoản vay của ba đơn vị cùng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của NHNN, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các NHTM đã tạo điều kiện cho ba đơn vị - có thể nói là đứng trên bờ vực - trở thành những đơn vị có dòng tiền và sản xuất trở lại ổn định”, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất nói và thông báo tin vui: Tính đến 29/2/2024, ba đơn vị đã trả nợ cả gốc và lãi cho VDB được 12.138 tỷ đồng trên tổng nợ vay ban đầu là 10.600 tỷ đồng; Đạm Hà Bắc hiện đã quay trở lại dương vốn chủ sở hữu được 600 tỷ đồng…
Trong khi đó, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí (Petro Việt Nam, PVN) cho biết, cơ cấu về tài sản và cơ cấu nợ, đặc biệt là tín dụng trong toàn tập đoàn hợp nhất đến nay khoảng 240.000 tỷ đồng. Như vậy nếu lãi suất tăng 1% thì chi phí vốn của tập đoàn sẽ tăng lên khoảng 2.400 tỷ đồng/năm. Do đó, việc cơ cấu lại vốn, tài chính trong hoạt động SXKD, đặc biệt trong các dự án đầu tư của Petro Việt Nam là rất quan trọng, giúp cho các dự án đầu tư nói riêng và toàn tập đoàn giảm được chi phí sử dụng vốn bình quân trong từng dự án. Cũng chính vì thế, Chủ tịch Petro Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao điều hành CSTT, tín dụng đã bảo đảm được ổn định lãi suất, lạm phát và tỷ giá, giúp cho các doanh nghiệp lớn như PVN có sự ổn định và đạt được những kết quả như trong thời gian qua”.
Hành trình phía trước còn nhiều khó khăn
Đây chỉ là hai trong số nhiều ý kiến tham luận được nêu ra tại hội nghị, cho thấy những tác động tích cực của điều hành CSTT nói chung, tín dụng nói riêng theo hướng ổn định, linh hoạt trong suốt thời gian qua đã bắt đầu “ngấm” đến các doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn đó rất nhiều thách thức, khó khăn, nhất là với tăng trưởng tín dụng. Theo báo cáo của NHNN tại hội nghị, do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%). Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các TCTD có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định, NHNN đã điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Năm 2023, NHNN đã bốn lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện tiên quyết để giảm lãi suất huy động và cho vay; tỷ giá cơ bản ổn định. Lãi suất vay mới năm 2023 giảm 2,5%/năm so với cuối năm 2022. Tính đến cuối tháng 2/2024, lãi suất huy động bình quân ở mức 3,3%/năm, giảm khoảng 0,2% và lãi suất cho vay bình quân ở mức 6,3%/năm, giảm khoảng 0,7%/năm so với cuối năm 2023. Song song với đó NHNN điều hành linh hoạt tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống. Nhờ đó tín dụng năm 2023 tăng 13,78%; các TCTD đã giải ngân 100% gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản… Đồng thời, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngoại hối hoạt động ổn định, thông suốt và trong tầm kiểm soát, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ năm 2023 có nhiều biến động.
Thủ tướng nhấn mạnh ngành Ngân hàng đã hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi SXKD, tạo việc làm, sinh kế; đẩy mạnh tín dụng cho nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp. Tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cùng hàng loạt các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các ngành, lĩnh vực trọng điểm, đơn giản hóa thủ tục cho vay; số hóa quá trình cấp tín dụng; tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp... Ngành Ngân hàng cũng là ngành tiên phong trong chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao năng lực của hệ thống, góp phần tối ưu các chi phí cho nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của NHNN và toàn ngành Ngân hàng, song Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý về một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Trong đó, việc cơ cấu lại nguồn vốn lãi vay, chính sách lãi vay chưa phù hợp, chưa tương xứng với dư địa và không gian CSTT. Tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm không cao dù số tiền gửi tại các TCTD là rất lớn. Mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; nhiều doanh nghiệp phản ánh tiếp cận tín dụng còn khó khăn và lãi suất cho vay còn cao. Nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro...
"5 tăng", "5 giảm", "5 tăng tốc, bứt phá"
Theo Thủ tướng, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng lớn trong năm 2024 đối với điều hành CSTT, khái quát bằng ba cụm từ: "5 tăng", "5 giảm", "5 tăng tốc, bứt phá".
"Năm tăng" gồm: Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng; tăng tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính; tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.
"Năm giảm" gồm: Giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau"…
"Năm tăng tốc, bứt phá" gồm: Tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc, bứt phá về phục vụ SXKD, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu NHNN quán triệt và quyết liệt triển khai có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01, 02/NQ/CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất..., gần nhất là Công điện số 18/CĐ-TTg về điều hành tăng trưởng tín dụng. Kịp thời xây dựng các nghị định, ban hành các thông tư để thi hành Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá. Điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả, gắn với bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống TCTD. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các TCTD; nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về CSTT, tín dụng, tỷ giá, lãi suất…
Đối với các TCTD, Thủ tướng yêu cầu cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN thành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn trong toàn hệ thống của từng NHTM. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các TCTD nhà nước; tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của TCTD trong việc chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào SXKD, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với CSTT; rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp…; Giao Bộ Xây dựng khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các thông tư hướng dẫn; Phối hợp chặt chẽ với NHNN, các bộ, ngành và địa phương triển khai hiệu quả Đề án xây dựng 01 triệu căn nhà ở xã hội; triển khai quyết liệt hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng…
Đối với các tổ chức kinh tế và người dân, Thủ tướng yêu cầu tuân thủ pháp luật, linh hoạt, thích ứng trong mọi hoàn cảnh, tiếp tục đổi mới công tác quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận vốn tín dụng và năng lực huy động vốn hợp pháp khác. Phối hợp với Nhà nước cùng hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó phối hợp chặt chẽ với các TCTD để sử dụng hiệu quả vốn tín dụng, nâng cao hiệu quả SXKD.