Nhiều giải pháp thiết thực cho khách hàng
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng |
Ông có thể cho biết những giải pháp hỗ trợ khách hàng của OCB trong thời điểm này?
Ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp đối với nhiều nhóm khách hàng. Trong đó khách hàng DN nhỏ, cá nhân là những đối tượng mà OCB tập trung hỗ trợ. Đối với nhóm khách hàng cá nhân, thủ tục không có gì khó khăn vì NHNN đưa ra một số quy định khá cụ thể về đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Chẳng hạn như cán bộ viên chức làm trong ngành giáo dục, đặc biệt làm tại các Trường tư thục bị ảnh hưởng nhiều vì không có thu nhập; hoặc những công nhân làm việc tại các nhà máy đang tạm ngừng hoạt động... Ngân hàng căn cứ theo quy định và tình hình thực tế để thực hiện hỗ trợ gia hạn nợ 3 tháng cho khách hàng. Nếu sau thời gian này dịch chưa hết, khách hàng chưa đi làm được, ngân hàng sẽ gia hạn tiếp.
Nhóm thứ 2 ngân hàng đang tập trung triển khai là hộ kinh doanh, DN. Đối với nhóm khách hàng này hồ sơ phức tạp hơn chút. DN phải thống kê doanh thu để ngân hàng xem xét. Nhưng cũng không quá khó cho ngân hàng vì nhiều nhất là những DN kinh doanh du lịch hoặc nhóm khách hàng liên quan đến vận tải đa phần xe nằm bãi, doanh thu gần như bằng 0. Đây là những nhóm khách hàng ngân hàng đang tập trung giải quyết và thời hạn cơ cấu nợ cũng tương tự.
Ở ngân hàng có đặc thù là tất cả các khoản vay cần cơ cấu nợ đều phải gửi lên Uỷ ban cơ cấu nợ theo quy định. Nên dù khoản vay giá trị nhỏ hay lớn đều phải qua từng đấy quy trình và có đầy đủ các thành viên của Uỷ ban trong đó có cả các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng. Để có thể xử lý kịp thời Uỷ ban này phải làm ngày đêm mới phê duyệt được các hồ sơ trình lên. Thời điểm này, dù khối lượng công việc rất lớn nhưng ngân hàng xác định làm được gì hỗ trợ DN sẽ cố gắng hết sức.
Theo ông, sa khi dịch bệnh Covid–19 được kiểm soát, khả năng hồi phục của các DN như thế nào?
Tôi nghĩ có thể một số ngành nghề liên quan đến sản xuất như ngành công nghiệp nặng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải đặc biệt là máy móc thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng nhu cầu sẽ tăng sau một thời gian ngừng trệ. Nhưng ngành nghề liên quan đến lưu trú khách sạn, du lịch, nghỉ dưỡng sẽ vẫn bị ảnh hưởng. Vì, mọi người vẫn cảm thấy chưa thực sự thoải mái yên tâm đi chơi. Tác động nữa từ các chính sách đóng cửa biên giới… dù không muốn nhưng các nước vẫn buộc phải làm để hạn chế sự lây lan bệnh dịch. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch. Do vậy, phải mất thời gian dài 2-3 năm nữa, mới có thể quay trở lại con số 18 triệu khách du lịch đến Việt Nam. Khi ngành du lịch không phát triển được sẽ ảnh hưởng nhiều đến chuỗi các ngành khác như lưu trú, khách sạn, nhu cầu thực phẩm ăn uống, các nhà cung cấp hàng hoá dịch vụ cơ bản… cũng sẽ giảm theo.
Trong năm nay, các DN xác định phải đối phó suy giảm kinh doanh, thậm chí là phá sản không phải hiếm, nợ xấu tại ngân hàng theo đó cũng tăng cao hơn. Tín dụng cũng sẽ tăng trưởng chậm giống như giai đoạn 2013-2014. Vì người đầu tư va phải cú sốc nặng này không dám mạnh dạn đầu tư như trước đây. Đấy là phân tích ở góc độ tự nhiên của thị trường. Nhưng nếu Nhà nước có chính sách lớn thúc đẩy chính sách tài khoá, tiền tệ hy vọng có thể rút ngắn thời gian khó khăn này.
Chẳng hạn như gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước?
Đứng góc độ DN, một khi muốn kinh doanh trở lại được như xưa họ phải dựa vào sức của mình, chứ không nên chỉ trông đợi vào sự hỗ trợ của Chính phủ. Nhưng trong thời gian này DN quá khó khăn không thể xoay xở được vì hoạt động kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực gần như tê liệt thì một gói hỗ trợ như vậy rất cần thiết sẽ giúp DN không chết. Hay nói ví von còn người là còn của. DN khi vẫn duy trì kinh doanh được và vượt qua giai đoạn “hút chết” như vậy họ sẽ tự xoay sở được. Vì ở Việt Nam, đặc điểm kinh tế của rất nhiều DNNVV, hộ gia đình tỷ lệ tiết kiệm vẫn còn cao. Mọi người còn lương khô dự trữ. Nên trong giai đoạn này nhà nước và nhân dân cùng làm thì sẽ sớm vượt khó.
Xin cảm ơn ông!