NHNN tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị về tình hình cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ và quản lý, sử dụng kinh phí khoán năm 2022. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Thủ trưởng Hành chính cơ quan NHTW, Thành viên Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) Chính phủ đánh giá: “Tiếp nối thành quả những năm qua, trong năm 2022, CCHC, TTHC nội bộ tiếp tục đạt được các kết quả tích cực góp phần xây dựng NHTW hiện đại từ quy chế tổ chức, con người, cơ sở vật chất, quản lý... Đồng thời, cải thiện rất nhiều vai trò chỉ đạo, lãnh đạo điều hành của NHNN với các NHTM, nâng cao uy tín, niềm tin của nhân dân với NHNN”. Tuy nhiên ông chỉ ra CCHC nội bộ đang có hiện tượng chững lại, vì vậy thời gian tới phải đẩy mạnh việc triển khai CCHC hơn nữa, tiếp tục xem đây là một trong hoạt động điều hành trọng tâm thường xuyên của NHNN.
Hoàn thành tốt các nhiệm vụ ở tất cả lĩnh vực
Báo cáo tại hội nghị, Phó chánh văn phòng NHNN Từ Thị Kim Thanh cho biết, năm 2022, các đơn vị chức năng thuộc NHNN đã tổ chức triển khai chương trình tổng thể CCHC nhà nước.
Cụ thể, lĩnh vực cải cách hoàn thiện thể chế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo đúng tiến độ đề ra, góp phần củng cố hành lang pháp lý để điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả; khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các khu vực sản xuất kinh doanh; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn trong các giao dịch thanh toán. Trong đó có thể kể đến việc NHNN trình Quốc hội thông qua Luật số 14/2022/QH15 về Phòng, chống rửa tiền vào ngày 15/11/2022; đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 và luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu; trình Thống đốc ký ban hành 14 Thông tư...
Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Thủ trưởng Hành chính cơ quan NHTW Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị |
8 phương án đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được NHNN xây dựng đều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó dự kiến đơn giản hóa 5 chế độ báo cáo, 3 TTHC lĩnh vực thành lập, hoạt động ngân hàng, ngoại hối, thanh toán; đề xuất phân cấp 20 TTHC. NHNN đã triển khai bộ nhận diện thương hiệu tại tất cả Bộ phận một cửa thuộc NHNN; Tổ chức số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa... Đồng thời, tổ chức nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cũng trong năm 2022, NHNN tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử theo kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và đảm bảo an toàn thông tin mạng của NHNN, đẩy mạnh tin học hóa trong hoạt động điều hành, nghiệp vụ trên môi trường số, hoàn thiện hệ thống báo cáo định kỳ của NHNN theo quy định tại Nghị định 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Hiện nay, toàn bộ các đơn vị thuộc NHNN đã triển khai xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng thông qua hệ thống Edoc; 100% văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia được ký số và được xác thực theo quy định. Hầu hết lãnh đạo các đơn vị đã sử dụng chữ ký số để ký văn bản điện tử; đồng thời, mở rộng cấp chứng thư số kết nối VPN để cung cấp cho công chức làm việc từ xa. Hiện, NHNN đang sử dụng 760 chứng thư số Chính phủ để ký số trên văn bản điện tử...
Báo cáo về tình hình sử dụng kinh phí khoán năm 2022, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, Nguyễn Hồng Vân cho biết, NHNN đã thực hiện yêu cầu của Chính phủ tiết giảm chi phí thường xuyên tối thiểu 15% từ việc lập kế hoạch tài chính cũng như quản lý chặt chẽ việc chi tiêu theo kế hoạch đã lập; Đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi kinh phí được giao. Việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản được thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, đáp ứng yêu cầu hoạt động của đơn vị gắn với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tuy nhiên, các đơn vị cũng gặp khó khăn trong việc sử dụng kinh phí khoán khi nhiều hoạt động trong giai đoạn dịch Covid chưa triển khai được dồn sang năm 2022, bên cạnh đó giá cả nhiều mặt hàng tăng lên khiến các chi phí thực tế cao hơn dự toán.
Tiếp tục dành sự quan tâm thích đáng
Ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong việc thực hiện CCHC, song Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cũng chỉ ra CCHC nội bộ đang có dấu hiệu chững lại một phần vì trong năm 2022 nhiều đơn vị dồn lực thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, song một phần vì một số nội dung cải cách chưa có sự đổi mới. Đơn cử, hệ thống edoc sau 11 năm sử dụng đã bộc lộ hạn chế nhưng chưa được thay mới, các cuộc họp vẫn còn sử dụng giấy tờ; một số nhiệm vụ chậm hoàn thành, chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn có tình trạng chậm tiến độ trong xây dựng văn bản… Theo Phó Thống đốc, những vấn đề này nếu không được khắc phục có thể kéo tụt lùi các thành quả CCHC mà NHNN đã đạt được.
Tại Nghị quyết số 131/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ xác định: cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ tiếp tục cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh chuyển đổi số về phương thức chỉ đạo, điều hành; tăng cường phân cấp TTHC và cải cách thủ tục trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước...
Từ chỉ đạo này của Chính phủ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu: Thủ trưởng các đơn vị cần tiếp tục giành sự quan tâm thích đáng đến công tác CCHC nội bộ; Quán triệt sâu sắc và thống nhất quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN về CCHC, xác định CCHC bao gồm các nhiệm vụ cải cách nội bộ là yêu cầu hết sức quan trọng, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ, điều hành, đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương hành chính và kỷ cương trong điều hành giữa NHNN và TCTD. Đồng thời, sớm hoàn thiện trình Thống đốc ban hành Quy chế làm việc của NHNN, trong đó đưa CCHC bao gồm các nhiệm vụ CCHC nội bộ là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ bắt buộc trong hoạt động điều hành.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo, các đơn vị đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị về tinh thần đẩy mạnh CCHC. Thủ trưởng các đơn vị cần chủ động hơn trong việc tham mưu, đề xuất công việc với Ban lãnh đạo NHNN, tránh tình trạng xử lý công việc thụ động. Đồng thời, tuân thủ nghiêm các quy chế quản lý về bảo mật tài liệu; Nâng cao công tác lưu trữ quản lý tài liệu, hướng tới dự trữ tài liệu điện tử và thư viện điện tử.
Về quản lý chi tiêu, năm 2022 có một số khoản mục chi vượt dự toán là do những việc dồn từ những năm trước chưa triển khai. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh phí khoán ngày càng giảm theo chủ trương tiết kiệm của Chính phủ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục thực hiện tiết kiệm chống lãng phí; Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, tính toán chi tiêu phù hợp; Chấp hành đúng quy chế tài chính, chi tiêu nội bộ và các văn bản quy định của Nhà nước. Phó Thống đốc cũng yêu cầu Cục Quản trị và Vụ Tài chính - Kế toán rà soát cơ chế chi tiêu nội bộ, cơ chế chi tiêu của Ngành trong đó có cả cơ chế chi tiêu của các NHNN chi nhánh. “Chi tài chính cần rõ ràng, tiết kiệm nhưng phải đảm bảo kinh phí vận hành hoạt động NHTW”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.