Nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin tăng 4 lần sau 10 năm
Báo cáo lấy năm 2010 làm mốc và nhận thấy nhu cầu tuyển dụng của ngành CNTT đã tăng gấp 4 lần sau 1 thập kỷ. Trong đó, 7 nhóm ngành thuộc lĩnh vực CNTT có nhu cầu tuyển dụng phổ biến lần lượt là: Phát triển phần mềm; Hỗ trợ kỹ thuật; Quản lý dự án/Sản phẩm; Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) và Giao diện (UI); Kỹ sư kiểm định chất lượng sản phẩm QA/QC; Khoa học dữ liệu.
Nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành Phát triển phần mềm luôn chiếm hơn 50% giai đoạn này và có ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành CNTT. Trong nhóm ngành này, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là các kỹ sư có chuyên môn phần mềm, Mobile, Web, ERP… đi kèm các kỹ năng lập trình ngôn ngữ phổ biến là JAVA, PHP, .NET. Điều này cho thấy, xu hướng phát triển phần mềm tại Việt Nam trong thập kỷ qua nằm ở dịch vụ gia công phần mềm (outsourcing), đặc biệt là Web App và Mobile App.
Trong khi đó, JavaScript vẫn là nhóm kỹ năng “hợp xu thế” và đi đầu về nhu cầu tuyển dụng. Nhóm kỹ năng này có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất về nhu cầu tuyển dụng, lên đến 63,3% nếu so với năm 2010. Theo sau đó là nhóm kỹ năng lập trình cho iOS tăng trưởng 29,8%; kỹ năng lập trình cho Android tăng đến 26,8%.
Xét theo vai trò công việc, Quản lý dự án/sản phẩm là nhóm được nhà tuyển dụng đề xuất mức lương đăng tuyển cao nhất là 1.775 USD. Tiếp theo là Phát triển phần mềm với mức lương đăng tuyển trung bình là 1.527 USD. Nhóm Khoa học dữ liệu đứng ở vị trí thứ 3 với mức lương là 1.356 USD.
Theo lĩnh vực, Fintech là lĩnh vực được đề xuất mức lương cao nhất cho ứng viên CNTT. Cụ thể, Top 3 các lĩnh vực có mức lương cao nhất lần lượt là: Fintech với mức lương đăng tuyển trung bình là 1.115 USD; Công nghệ cao (IoT; AI; Blockchain,…) có mức lương trung bình là 1.055USD; Thương mại điện tử (E-Commerce) với mức lương là 895USD.
Khi so sánh kết quả khảo sát về mức lương mong muốn cho công việc tiếp theo của nhân lực CNTT và mức lương trung bình doanh nghiệp đang đăng tuyển, xuất hiện mức độ chênh lệch trong mức lương thực tế đang được nhận và mức lương mong muốn của ứng viên CNTT.
Theo đó, cấp bậc “Thực tập và Mới vào nghề” kỳ vọng mức lương cao hơn khoảng 200USD so với thực tế. Nhóm “Có kinh nghiệm” đang nhận mức lương thấp hơn so với mong muốn là 300USD. Vị trí “Trưởng nhóm” có mức chênh lệch giữa thực tế và kỳ vọng là 400USD. Mức chênh lệch đối với nhóm “Quản lý” là 600USD và đối với nhóm “Giám đốc” là gần 1.300USD.
Nhìn chung, nhân lực ngành CNTT được doanh nghiệp “chăm sóc khá tốt” khi đáp ứng đầy đủ các phúc lợi quan trọng nhất bao gồm Bảo hiểm theo quy định pháp luật, Nghỉ phép có lương, Khám sức khỏe định kỳ, các loại trợ cấp, Máy tính cá nhân và Du lịch. Bên cạnh các phúc lợi cơ bản nêu trên, nhân lực CNTT cho biết chế độ “Thời gian làm việc linh hoạt” là loại phúc lợi quan trọng nhưng ít được cung cấp.
Tuy nhiên, ứng viên CNTT chỉ thể hiện mức độ hài lòng tương đối khi được hỏi về “Mức độ hài lòng” đối với chế độ phúc lợi và môi trường. Theo đó, chỉ có 40% cho biết họ hài lòng ở các mức độ khác nhau; gần 50% cho rằng họ cảm thấy “Bình thường”, nhóm còn lại là “Không hài lòng” ở mức độ khác nhau.
Top 3 các yếu tố khiến nhân lực ngành CNTT quan tâm hàng đầu khi chuyển việc đều liên quan đến các chính sách đãi ngộ tốt hơn. Theo đó, 89% cho biết họ quan tâm đến “Lương cao hơn”, 67% chọn “Khả năng thăng tiến” và 66% chọn “Phúc lợi tốt hơn”. Yếu tố “Sếp và đồng nghiệp” được 56% ứng viên quan tâm và Văn hóa công ty được 53% ứng viên lựa chọn.
Nhằm hỗ trợ toàn diện cho nhân lực CNTT phát triển sự nghiệp, VietnamWorks ra mắt trang tuyển dụng riêng dành cho lĩnh vực CNTT mang tên: VietnamWorks InTECH.
Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám Đốc của Navigos Group cho biết, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành CNTT gia tăng mạnh mẽ trong thập kỷ qua nhưng trong suốt quá trình làm việc với nhà tuyển dụng và nhân lực ngành CNTT, Navigos Group nhận thấy vẫn còn nhiều rào cản trong việc giúp ứng viên tìm được công việc giúp họ đạt được giấc mơ sự nghiệp trong ngành công nghệ.
“Chính vì vậy, VietnamWorks ra mắt trang tuyển dụng riêng dành cho lĩnh vực CNTT này để giúp họ tháo gỡ những khó khăn nêu trên và mang đến những dịch vụ/hoạt động đặc thù để nhằm hỗ trợ tốt hơn cho nguồn nhân lực CNTT”, ông Gaku Echizenya chia sẻ.
VietnamWorks InTECH hoạt động với mục đích hỗ trợ ứng viên CNTT toàn diện hơn trong việc phát triển sự nghiệp, ở mọi cấp bậc, từ ứng viên mới ra trường cho đến các ứng viên cấp cao do có sự liên kết dịch vụ trực tuyến lẫn dịch vụ tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp cao từ Navigos Search.
Bên cạnh đó, các khóa học liên kết với VietnamWorks Learning và các kiến thức cập nhật liên tục từ blog trên VietnamWorkInTECH là giá trị cộng thêm để giúp ứng viên CNTT liên tục phát triển sự nghiệp.
VietnamWorks InTECH áp dụng công cụ tìm kiếm việc làm (Job search engine) mới giúp tăng 20% lượng ứng tuyển. Đồng thời, cải tiến công cụ tìm kiếm Hồ sơ xin việc (Resume Search) giúp tốc độ tìm kiếm tăng gấp đôi. Đặc biệt nhất, việc tích hợp Hệ thống khuyến nghị công việc dựa trên công nghệ Máy học (Machine Learning) do nội bộ VietnamWorks tự phát triển. Hiện hệ thống này đang xử lý khoảng 4 triệu lượt ứng tuyển mỗi năm, nâng tỷ lệ ứng tuyển tới 50% so với hệ thống khuyến nghị cũ.