Nhu cầu nhân sự ngân hàng vẫn gia tăng
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý III/2021 do Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) tiến hành cho thấy, tình hình lao động, việc làm tại các TCTD trong năm 2021 được đánh giá tương đối ổn định và có chiều hướng cải thiện. Theo đó, 66,7% TCTD dự kiến tăng lao động, việc làm và chỉ có 3,8% TCTD dự kiến cắt giảm lao động so với năm 2020.
Báo cáo về thị trường lao động quý II và dự báo những tháng cuối năm do Navigos Group mới đây công bố cũng chỉ ra, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đang tạm hoãn việc tuyển dụng hoặc tuyển rất ít. Tuy nhiên, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… có nhu cầu tuyển dụng số lượng nhân sự lớn ở vị trí quan hệ khách hàng, mảng công nghệ thông tin. Navigos đưa ra dự báo, quý III/2021 tiếp tục là đợt cao điểm tuyển dụng của mảng ngân hàng.
Ảnh minh họa |
Trong báo cáo tài chính quý II/2021 của nhiều ngân hàng công bố gần đây cũng ghi nhận số nhân viên đều tăng thêm so với cuối năm 2020. Như tại Vietcombank, tính tới ngày 30/6/2021 ngân hàng này có 21.079 nhân viên, cao hơn so với thời điểm 31/12/2020 (20.062 nhân viên); tổng số cán bộ công nhân viên của VietinBank là 24.919 người tính tới 30/6/2021, tại thời điểm cuối tháng 12/2020 nhà băng này có 24.480 người…
Ở khối NHTMCP, nhân sự cũng gia tăng: TPBank tới 30/6/2021 có 7.305 nhân viên, so với trước đó một năm cũng có tăng thêm (30/6/2020 là 6.991 người); Techcombank tại ngày 30/6/2021 cũng có 12.016 nhân viên - tăng 214 người so với đầu năm, và riêng ngân hàng mẹ đã tuyển thêm 136 nhân sự trong 6 tháng đầu năm lên 1.284 người. Hay như VPBank tiếp tục tuyển 3.979 nhân viên trong nửa đầu năm nay, tương đương gần 670 người mỗi tháng, nâng tổng số nhân viên tại ngân hàng đạt gần 25.000 người. Tại SeABank, LienVietPostbank có với số lượng nhân viên tăng thêm trong kỳ lần lượt là 898 người và 581 người…
Trao đổi với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV chia sẻ, với một lĩnh vực đòi hỏi cao và cạnh tranh ngày càng gay gắt như ngân hàng thì áp lực để có được một đội ngũ nhân sự tinh anh là rất lớn. Hay nói cách khác, các ngân hàng Việt Nam hiện đang đối mặt với hai vấn đề về tuyển dụng nhân sự có năng lực công nghệ và xây dựng chiến lược để phát triển cũng như tái cơ cấu nhân sự phù hợp với mô hình kinh doanh mới. Theo ông, đây là nguyên do chính dẫn tới việc nhu cầu tuyển dụng nhân sự các ngân hàng vẫn lớn, dù chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Covid-19.
Cùng chung quan điểm, một chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho hay, công nghệ thông tin dù hiện đại tới đâu vẫn chỉ là công cụ để trợ giúp cho con người trong hoạt động được hiệu quả hơn. Bởi thế, ứng dụng công nghệ thông tin làm sao để đạt được hiệu quả, nâng cao năng suất lao động thì phụ thuộc rất nhiều vào chính người sử dụng công nghệ có sự am hiểu và thành thạo tới đâu. Nói như vậy để thấy là đào tạo nhân lực của ngân hàng là điều vô cùng quan trọng, nhân sự phải làm chủ được công nghệ thì lúc đó công nghệ mới phát huy thật sự hiệu quả. Quá trình đào tạo này phải là thường xuyên, liên tục trau dồi, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng… vì tiêu chuẩn của nhân viên ngân hàng trong thời đại số đòi hỏi phải nâng cao mỗi ngày.
Đó cũng chính là lý do, đi cùng với nhu cầu tuyển dụng thêm nhân lực công nghệ, các ngân hàng đã và đang đầu tư rất lớn để đào tạo con người từ trong nội bộ của ngân hàng, để có thể gia tăng hàm lượng nhân sự ở các mảng công việc liên quan tới công nghệ…
Giữa tháng 7 vừa qua, MB đã khai trương Trung tâm Học tập và Sáng tạo cơ sở Hà Nội. Trước đó năm 2020, cơ sở tại TP.Hồ Chí Minh cũng đã đi vào hoạt động. Đây được xem là một trong những bước đi mạnh mẽ trong chiến lược quản trị nhân sự sáng tạo và thông minh hơn của nhà băng này, sẵn sàng cho chiến lược phát triển của tập đoàn giai đoạn 2022 - 2026. Lãnh đạo nhà băng này cho hay, hiện MB có đội ngũ nhân sự và chuyên gia công nghệ lên tới hơn 1.200 người, con số này chiếm hơn 10% tổng nhân sự toàn ngân hàng. Trong chuyển đổi số, MB xác định nhân sự công nghệ đóng vai trò là mắt xích quan trọng để có thể chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả và bền vững.
Hoặc như tại MSB, ngân hàng này xây dựng chính sách quy hoạch, đào tạo và phát triển nhân lực phù hợp với từng vị trí, cá biệt hoá dựa trên năng lực, hiệu suất và tiềm năng của từng cá nhân. Năm 2020, MSB triển khai gần 850 khoá đào tạo nghiệp vụ, con số này dự kiến đạt hơn 1.000 khoá trong năm 2021 với hình thức online. Giám đốc nhân sự của MSB chia sẻ, năm nay ngân hàng bắt đầu mở rộng tuyển dụng và đào tạo khối công nghệ thông qua chương trình “MSB Techie Talent - Tài năng công nghệ trẻ” nhằm đem lại những đột phá trong giải pháp công nghệ cho ngân hàng.
VIB cũng hợp tác với Amazon Web Services (AWS), công ty con của Amazon, nhà cung cấp hàng đầu thế giới về giải pháp điện toán đám mây (Cloud) để triển khai các chương trình chia sẻ thông tin, đào tạo tăng cường kiến thức chuyên môn về điện toán đám mây cũng như các giải pháp quản lý và khai thác dữ liệu, đây là hoạt động nằm trong hệ thống chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ công nghệ số của ngân hàng này…