Nhu cầu về giáo dục tư nhân gia tăng
Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên mở trong giáo dục đại học
|
Số liệu cho thấy, số lượng học sinh tại các trường tư thục ở Việt Nam tăng 10,9% giai đoạn 2017-2022. |
Báo cáo "Giáo dục Việt Nam: Nhu cầu giáo dục tư nhân gia tăng" do Đơn vị Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn, Công ty FiinGroup Việt Nam vừa công bố cho biết, chi tiêu cho giáo dục tư nhân đang tăng nhanh, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hãng dữ liệu và xếp hạng tín nhiệm này cho biết số lượng học sinh tại các trường tư thục ở Việt Nam tăng 10,9% giai đoạn 2017-2022. Trong đó, học sinh cấp phổ thông tăng trưởng 10,4% và cấp đại học trở lên tăng 11,5%.
"Chi tiêu cho ngành giáo dục tăng trưởng vững chắc cho thấy nhận thức cao hơn và nhu cầu cao về giáo dục, đặc biệt là giáo dục tư thục, ngoại ngữ, thi tuyển sinh và hoạt động ngoại khóa", FiinGroup Việt Nam cho biết.
Đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tư nhân được FiinGroup Việt Nam đánh giá là còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác nhờ cơ sở nhân khẩu học thuận lợi, thu nhập của người dân tăng và mong muốn học cao hơn.
Theo thống kê, 47% chi tiêu hộ gia đình ở các thành phố lớn dành cho giáo dục |
Theo báo cáo, chi tiêu cho giáo dục chứng kiến sự tăng trưởng vững chắc khi 47% chi tiêu hộ gia đình ở các thành phố lớn là dành cho giáo dục. Trong giai đoạn 2017-2022, chi tiêu cho giáo dục của các hộ gia đình Việt Nam tăng khoảng 7%.
Cùng với đó, dân số trong độ tuổi học trung học của Việt Nam hiện là 24,5 triệu người và dự báo tăng 0,6% cho đến năm 2030. Trong khi, tỷ lệ hiện diện của giáo dục tư nhân vẫn còn nhỏ. Ví dụ, tại Hà Nội, trường quốc tế và song ngữ năm học 2023-2024 là 69.000, chiếm chưa đến 4% tổng số học sinh Thủ đô là trên 2,2 triệu. Học phí các trường quốc tế tại đây dao động 11.000-30.000 USD mỗi năm và 4.000-8.000 USD mỗi năm với trường song ngữ.
FiinGroup Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các hoạt động M&A, đầu tư xanh và hợp tác kinh doanh vào lĩnh vực này.