Những điểm cần cẩn trọng trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới
Nhận diện những gì cấm, còn bỏ ngỏ
Tại Hội thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 - Doanh nghiệp cần làm gì?" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 18/12, các chuyên gia, luật sư và trọng tài thương mại cho biết, 2 luật sẽ tác động lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có nhiều điểm mới, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế, tạo môi trường và điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn cho doanh nghiệp.
Nhưng, doanh nghiệp cần lưu ý những điểm mới và những điểm nhấn cũng như những điểm hết sức cần lưu ý trong 2 luật để các doanh nghiệp hiểu rõ, không bỡ ngỡ, cũng để tránh, giảm thiểu những rủi ro phát sinh có thể sẽ xảy ra trong quá trình thực thi.
Cần sớm có các nghị định hướng dẫn để Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới đi vào cuộc sống |
Cụ thể như về Luật Đầu tư, luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink, trọng tài viên VIAC đánh giá, Luật Đầu tư mới tạo được sự công bằng, công khai, minh bạch cho môi trường đầu tư. Đồng thời tạo tính thống nhất đồng bộ và hướng tới hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư kinh doanh, đặc biệt là đối với hoạt động đầu tư nước ngoài.
Trong đó Luật Đầu tư mới tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc những ngành nghề mà pháp luật quy định phải có điều kiện.
Luật Đầu tư mới cơ bản đã giải quyết được những yêu cầu thực tiễn, quy định đã có sự rõ ràng, thu hẹp và làm rõ phạm vi đối tượng được hưởng ưu đãi. Chính sách ưu đãi đầu tư hiệu quả hơn khi xác định được đối tượng thụ hưởng phù hợp, xứng đáng.
Tuy nhiên theo luật sư Vinh, Luật này vẫn còn những vấn đề chưa đáp ứng được kỳ vọng, một số quy định mới đưa vào Luật trong quá trình hướng dẫn, triển khai vào thực tế cũng sẽ có những vướng mắc.
Đơn cử như hình thức đầu tư trong Luật Đầu tư đã làm rõ 3 hình thức nhưng điều kiện áp dụng vẫn là áp dụng luật chuyên ngành, như Luật Đất đai, Đấu thầu. Vì vậy, liệu các địa phương có hết được tình trạng đau đầu vì các câu hỏi: Dự án nào đấu giá? Dự án nào đấu thầu? Dự án nào cấp chủ trương đầu tư như đã gặp phải? Và để gỡ được điểm vướng này, bên cạnh những quy định mới ở Luật Đầu tư thì phải sửa Luật Đất đai, Nhà ở và luật liên quan.
Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp cũng có nhiều điểm mới, sẽ có tác động tích cực tới doanh nghiệp, nhưng Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO lưu ý các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ để có cách ứng xử với Luật, biết làm thế nào khi Luật cấm, hoặc Luật cho hoặc Luật còn bỏ ngỏ.
Chưa có nghị định, luật chỉ nằm trên giấy
Luật Doanh nghiệp có hơn 40 điều thay đổi mới cần lưu ý, như về giá trị con dấu doanh nghiệp và bỏ nội dung và thủ tục sử dụng con dấu, sửa thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật và bỏ báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp…
Luật Doanh nghiệp có điểm mới là quy định về người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Đó là nếu có 1 đại diện: Chủ tịch hoặc Giám đốc; nếu có 2 đại diện với Công ty TNHH: Chủ tịch và Giám đốc; với Công ty Cổ phần: Chủ tịch hoặc Giám đốc. Điều cần chú ý là tại Luật năm 2020 có thay đổi là: Nếu phân chia quyền, nghĩa vụ không rõ, mỗi người đều là đại diện đủ thẩm quyền và tất cả phải chịu trách nhiệm liên đới…
Về thời hạn góp vốn thành lập doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn giữ nguyên thời hạn 3 tháng nhưng mở hơn và dễ thở hơn khi quy định “không tính thời gian làm thủ tục hành chính”. Nhưng chính điểm mở này là điểm phải cẩn thận để tránh vi phạm thời hạn 3 tháng.
Các luật sư, trọng tài viên và các chuyên gia cho rằng, để hai Luật được thực hiện trôi chảy và thực sự tạo được thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp thì cần có một loạt các nghị định hướng dẫn, những nội dung còn để ngỏ trong hai luật này và chi tiết hóa quy định để Luật sớm đi vào cuộc sống. Bởi “khi chưa có Nghị định thì Luật vẫn còn nằm trên giấy”, luật sư Vinh phát biểu.
Đồng thời, cần phải rà soát để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật liên quan để đồng bộ với các quy định mới của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Còn theo lưu ý của luật sư Đức: “Không quá kỳ vọng 2 Luật mới có thể tháo gỡ được hết vướng mắc nhưng doanh nghiệp phải tiếp tục nghiên cứu một cách đầy đủ tất cả các quy định của pháp luật liên quan để tận dụng được những thuận lợi và cơ hội từ Luật, nhưng cũng để tránh rủi ro phát sinh, nhất là với những gì Luật còn bỏ ngỏ hoặc còn khoảng trống”.
Và bên cạnh doanh nghiệp là các luật sư, các công ty tư vấn, các trọng tài viên sẽ giúp doanh nghiệp biết được cần làm gì, tránh làm gì, làm như thế nào...