Nỗ lực đưa vốn tín dụng ra thị trường
Tận dụng mọi cơ hội đưa vốn tín dụng ra nền kinh tế Vốn tín dụng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống |
“Đỏ mắt” tìm khách hàng
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.Đà Nẵng cho biết, thời gian qua đơn vị đã tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tuân thủ nghiêm các chủ trương, quy định về lãi suất tiền gửi và cho vay của NHNN. Đồng thời, yêu cầu các chi nhánh NHTM tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc |
Tuy nhiên, theo ông Võ Minh, hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn thời gian qua gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tăng trưởng tín dụng còn yếu. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng khó khăn, việc triển khai các chương trình tín dụng như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản còn chậm và chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Ngay tại buổi làm việc, đại diện doanh nghiệp và hiệp hội đã đưa ra một loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Dệt may Hoà Thọ chia sẻ, thời gian qua tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ở địa phương gặp khó. Hiện sức mua trên thị trường cả trong và ngoài nước đang rất yếu. Doanh nghiệp khó mở rộng sản xuất kinh doanh nên nhu cầu tiếp cận vốn ngân hàng chưa cao.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Trường Kỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty DINCO, một trong những nguyên nhân khiến việc tăng trưởng tín dụng trên địa bàn còn thấp do doanh nghiệp gặp vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính trong sản xuất, kinh doanh. Ông Kỹ lấy ví dụ, thời gian để hoàn tất công tác phòng chống chữa cháy kéo dài lên đến hàng năm, khiến doanh nghiệp “nản”. Điều đó cũng ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn ngân hàng.
Về phía các NHTM cũng đã chỉ ra những nguyên nhân khi phải “đỏ mắt” tìm khách hàng như hiện nay, dù mặt bằng lãi suất đã xuống thấp. Ông Đoàn Phúc, Phó giám đốc Agribank Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng - địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, du lịch, dịch vụ là những ngành mũi nhọn lại phải gánh chịu hậu quả khốc liệt nhất. Đến nay, do khó khăn nhiều doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, ảnh hưởng đến tăng trưởng dư nợ của chi nhánh. Tương tự, theo ông Nguyễn Nhất Linh, Giám đốc SeABank Đà Nẵng, các TCTD cũng rất trăn trở khi huy động vốn mà không cho vay ra được. Tăng trưởng tín dụng thấp cũng gây áp lực ngay cho chính ngân hàng. Song, trên thực tế nhu cầu vay vốn trên địa bàn không cao. Cầu tín dụng yếu, bởi nhiều doanh nghiệp chưa “mặn mà”, với việc tiếp cận vốn vay.
Đồng bộ giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Dù còn những khó khăn, song thời gian qua ngành Ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng vẫn nỗ lực đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, đến 30/4/2024, trên địa bàn đã có 38 TCTD triển khai chính sách; Lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (từ 24/4/2023 đến 30/4/2024) là 5.855 tỷ đồng, với 647 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, từ đầu năm 2024 đến nay, Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng tiếp tục được đẩy mạnh; tăng cường trao đổi giữa ngân hàng với khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng cũng ghi nhận những đóng góp của hệ thống ngân hàng. Ông cho biết, với nhiều nỗ lực ở địa phương, trong đó có sự góp sức của ngành Ngân hàng, thời gian gần đây kinh tế thành phố đã có những khởi sắc. Ông Hồ Kỳ Minh mong muốn, thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV ở địa phương, trên tinh thần cùng đồng hành, cùng chia sẻ để vượt qua thời điểm khó khăn.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chia sẻ, Đà Nẵng là một thành phố năng động, nhiều thế mạnh, song việc tăng trưởng tín dụng chưa đến 1% như thời gian qua là điều trăn trở, dù ngành Ngân hàng trên địa bàn đã có nhiều nỗ lực cố gắng. Theo Phó Thống đốc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có cả khách quan lẫn chủ quan… Trong hoàn cảnh này, nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc yêu cầu ngành Ngân hàng trên địa bàn tiếp tục vào cuộc với tinh thần mạnh dạn, quyết liệt nỗ lực vượt qua khó khăn, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong tiếp cận vốn. Không để xảy ra tình trạng khách hàng đủ điều kiện mà không được tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng chính đáng.
Các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu, an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế; cấp tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng kinh tế ở Đà Nẵng. Tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng yêu cầu các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư số 02, đảm bảo thực hiện đúng quy định, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận chính sách. Chú trọng truyền thông rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của TCTD đến công chúng...