Nông dân lại gặp khó trong tiêu thụ nông sản
Ngăn chặn sự gián đoạn lưu thông nông sản | |
Xuất khẩu trái nhãn vì sao vẫn loay hoay? | |
Để nông sản xuất khẩu “vượt rào” kỹ thuật |
Nông dân gặp khó
Thời gian qua, Đăk Lăk chú trọng chuyển đổi cây trồng, phát triển vùng cây ăn quả trên diện tích các loại cây công nghiệp không còn thích ứng với biến đổi khí hậu hoặc thổ nhưỡng như cà phê, hồ tiêu, cao su... Đến nay đã có hàng ngàn hecta cây trồng được chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái. Trong đó, sầu riêng là loại cây được bà con nông dân chọn trồng và phát huy hiệu quả giá trị kinh tế cao.
Chị Nguyễn Thị Hiếu ở huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) hơn chục năm qua tập trung phát triển diện tích hơn 2ha cà phê. Song nhận thấy vườn cà phê đã già cỗi, cho năng suất không cao, nên chị bắt đầu phá bỏ dần để xen canh cây sầu riêng. Sau 5 năm, cây sầu riêng cho năng suất tốt, mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với cây cà phê. Dần dà, chị Hiếu chuyển đổi phần lớn diện tích hiện có sang trồng cây sầu riêng.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đúng ngay vào vụ thu hoạch nên nhiều nông hộ điêu đứng |
Chị Hiếu chia sẻ, trước đây cây sầu riêng mang lại phần lớn kinh tế của gia đình. Thế nhưng, năm nay đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đúng vào vụ thu hoạch nên nhiều nông hộ điêu đứng. Những năm trước, giá sầu riêng thường 60-70 ngàn đồng/kg, song năm nay bán 20 – 30 ngàn/kg nhưng không có thương lái thu mua, vì vận chuyển đi các tỉnh và xuất khẩu cũng gặp khó. Những thương lái đã đặt cọc tiền mua trước đó chỉ lấy đủ số lượng tiền đã đặt cọc, không mua thêm.
Để giải quyết số lượng sầu riêng còn tồn đọng, chị Hiếu phải tận dụng nhiều kênh bán hàng như livestream và bán trên mạng facebook và zalo cho bạn bè ở ngoài địa phương. Song cũng gặp không ít khó khăn trong việc ship hàng.
Hiện tại, khu vực Tây Nguyên đang có hàng ngàn nông dân phải đối mặt với thách thức trong tiêu thụ nông sản làm ra. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk, hiện địa phương có 12.224ha sầu riêng. Trong đó, diện tích sầu riêng cho thu hoạch là 5.216ha, sản lượng hơn 103.200 tấn. Cây sầu riêng được trồng khá phổ biến ở hầu hết các địa bàn. Loại cây trồng này tập trung tại các huyện như Krông Pắc, Krông Năng, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ, Cư M’gar…
Đặc biệt, huyện Krông Pắc, nhiều năm qua được mệnh danh "thủ phủ sầu riêng" của Đắk Lăk. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện địa phương có khoảng 3.407ha. Trong đó, diện tích cho trái khoảng hơn 2.500ha, với tổng sản lượng hơn 40.000 tấn. Năm 2020, tổng giá trị sầu riêng hơn 1.500 tỷ đồng, chiếm 30% giá trị toàn ngành trồng trọt của địa phương. Cây sầu riêng đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Theo một thương lái sầu riêng thu mua ở khu vực huyện Krông Pắc, nếu vào thời điểm này của năm 2020, giá sầu riêng Ri6 dao động 50 – 60 ngàn đồng/kg, thậm chí cao điểm lên đến 70-80 ngàn đồng/kg, thì năm 2021 giảm xuống chỉ còn khoảng 20 – 30 nghìn đồng/kg. Đáng nói hơn, dù giá xuống thấp nhiều so với mọi năm nhưng thương lái không dám gom hàng, vì dịch bệnh, xe vận chuyển bị ách tắc.
Nỗ lực hỗ trợ tiêu thụ
Theo thương lái, các loại sầu riêng như Dona da xanh, Monthoong, Ri6... trồng tại Đăk Lăk phần lớn được doanh nghiệp thu mua, xuất sang Trung Quốc. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu sầu riêng gặp nhiều khó khăn.
Để kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất của nông dân, ngay từ đầu vụ, ngành Nông nghiệp tỉnh Đăk Lăk có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp. Đồng thời, tổng hợp số liệu về sản lượng các nông sản chính cần kết nối tiêu thụ để có phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản trên địa bàn. Yêu cầu UBND cấp huyện chủ động xây dựng các phương án và kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch Covid-19. Đặc biệt, đối với hàng nông sản có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch như sầu riêng, bơ...
Cùng với đó, tổng hợp khả năng dự trữ của kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản của doanh nghiệp trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ địa phương khác khi cần thiết. Trên cơ sở này, ngành nông nghiệp sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc triển khai các hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản mùa vụ của địa phương…
Hiện Gia Lai cũng có khoảng 20.600ha cây ăn quả, chủ yếu là bơ, sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt, bưởi, nhãn. Địa phương này cũng rơi vào cảnh tương tự, hàng ngàn tấn trái cây của nông dân đang gặp khó trong việc tiêu thụ. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Gia Lai triển khai nhiều chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, bước đầu mang lại hiệu quả. Hiện một số loại cây ăn quả đạt tiêu chuẩn quốc tế đang được doanh nghiệp sản xuất, thu mua xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và châu Âu.
Ngoài ra, trái cây Gia Lai đang được mở rộng thị trường tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai đang phối hợp với Sở Công thương, Hiệp hội doanh nghiệp, các địa phương… thống kê sản lượng để triển khai các giải pháp tìm kiếm, kết nối thị trường để kịp thời tiêu thụ sản lượng nông sản đang đến vụ thu hoạch của bà con nông dân...