Nuôi dưỡng kỹ năng đọc sách cho trẻ
Có đào tạo được người đọc sách? MoMo tham gia xây dựng văn hóa đọc Thanh niên Ngân hàng Trung ương tích cực hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024 |
Công bằng mà nói, đã qua rồi cái thời sách in là nơi duy nhất để con người tìm những tri thức, kiến thức và hay những câu chuyện hấp dẫn ngợi ca về lòng nhân ái, đức hy sinh… Trong môi trường học tập, nghiên cứu cũng vậy, sách in cũng không giữ vị trí “độc tôn” nữa. Ngày nay, khi công nghệ phát triển, đã mở ra những cánh cửa khác để con người có thể tiếp cận tri thức… Internet đã gúp con người rút ngắn được thời gian và có thể cùng lúc tiếp cận với những cuốn sách quý hiếm trong những thư viện lớn trên thế giới.
Bên cạnh đó, sách điện tử (ebook) phát triển, nhiều người lại có thói quen sưu tập các file sách và đọc sách điện tử vì thuận tiện trong việc tra cứu, di chuyển, và lưu giữ gọn gàng trong iPad, laptop, thậm chí cả trên điện thoại thông minh… Tuy nhiên, với thanh thiếu nhi, khi internet phát triển, khi mạng xã hội tràn ngập, cũng gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, việc không gây dựng và nuôi dưỡng thói quen đọc sách truyền thống tiềm ẩn những nguy cơ khó có tư duy logic, hệ thống, không có thói quen tra cứu, thậm chí ảnh hưởng tới cách tư duy “vụn” mà các video ngắn trên mạng xã hội đang lấn át. Đó là chưa kể, xem nhiều là nguyên nhân dẫn tới tật cận thị ngày càng gia tăng ở học sinh, sinh viên. Thậm chí, việc tiếp xúc với thiết bị công nghệ từ quá sớm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ.
Việc cho trẻ thường xuyên đến với hội chợ sách, nhà sách, phố sách cũng góp phần gây dựng thói quen đọc sách |
Chính vì điều này, theo các chuyên gia, với thanh thiếu nhi, việc hướng các em nuôi dưỡng thói quen đọc sách truyền thống là điều cần thiết. Ba tháng hè là thời gian lý tưởng để xây dựng, củng cố, rèn luyện kỹ năng đọc sách cho trẻ. Trẻ nhỏ nếu có thói quen đọc, khi lớn lên sẽ tự tìm đến sách mà không cần bất cứ tác động nào. Theo bà Nguyễn Kim Thoa - CEO Tân Việt Books, người có nhiều năm làm công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đọc sách giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo, sự tự tin khi giao tiếp, thuyết trình. Nếu không có lượng thông tin, kiến thức tích lũy từ sách, bạn nhỏ khó chia sẻ, cởi mở trong học tập cũng như cuộc sống.
“Bên cạnh đó, đọc sách còn là tiền đề để trẻ phát triển trí tưởng tượng. Với một cuốn truyện, các bé sẽ có thể tưởng tượng ra nội dung, diễn biến vì được hòa mình vào câu chuyện đó. Khả năng tư duy từ đó sẽ được hình thành”, bà Thoa nói.
Ở nhiều vùng, miền trên thế giới, người ta đề cao vai trò của sách và cho rằng đọc sách không chỉ giúp phát triển trí tuệ, mà còn mang lại nhiều lợi ích trong giai đoạn trưởng thành.
Đến đây, nhiều người sẽ cho rằng, ebook (sách điện tử), audiobook (sách nói) cũng là một xu hướng, không nhất thiết phải sách sách in truyền thống. Đúng vậy, ngày nay, sách điện tử cũng là một xu hướng, một “mũi nhọn” của ngành xuất bản. Ebook có những thế mạnh riêng, như không phát sinh các bản in, không cần sử dụng giấy, dễ dàng lựa chọn, tìm kiếm, mua và sử dụng ở bất cứ đâu… Trong bối cảnh không gian sống không rộng rãi, hay với những người phải di chuyển nhiều thì sách điện tử là một lựa chọn phù hợp. Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2023 Việt Nam hiện có hơn 15 triệu lượt người sử dụng sách điện tử, tương đương với 35 triệu bản sách được đọc, tăng 59% so với năm 2021.
Song cần nhấn mạnh rằng, sách điện tử vẫn chưa phải là lựa chọn thông minh cho giới trẻ hiện nay, đặc biệt là với học sinh, sinh viên. Một số chuyên gia cho rằng, khi quá đa dạng lựa chọn sẽ khiến con người ta lười và thay vì dành thời gian đọc sách, các bạn sẽ dành thời gian lướt mạng, xem phim, giải trí. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, việc đọc nên chia làm hai loại: Đọc để tiếp cận thông tin và đọc để hưởng thụ. “Để hưởng thụ trọn vẹn tinh thần một tác phẩm văn học nghệ thuật sâu sắc, tôi nghĩ ebook hay audio book không thể thay thế được sách in truyền thống”, ông Thiều nêu quan điểm.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books - cho rằng, điều quan trọng nhất để đọc nhiều sách là bản thân mỗi người phải yêu thích sách và tìm được cảm hứng mỗi khi cầm cuốn sách, tiếp đến mới là kỹ năng đọc. “Chúng ta phải xem đọc là một công việc mang tính chất chủ động. Con người có những thói quen tự nhiên, không cần cố gắng như ăn uống, hít thở, quan sát xung quanh. Nhưng để có được thói quen đọc, phải trải qua thời gian, sự kiên trì và nỗ lực”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trở lại với câu chuyện: Làm gì để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho trẻ? Theo TS. Nguyễn Quốc Vương, việc đọc sách trước hết giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, hỗ trợ quá trình học tập, thúc đẩy tư duy, cảm xúc và biểu đạt của trẻ; rèn luyện khả năng tập trung. Do đó, việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ là điều cực kỳ quan trọng.
“Cha mẹ phải có ý thức đối với việc đọc sách và giá trị văn hóa trong đời sống. Có thể đem nội dung sách làm chủ đề cho các câu chuyện thường nhật trong gia đình”, ông Vương gợi ý, đồng thời cho rằng, môi trường đọc sách cho trẻ cũng là yếu tố quan trọng không kém. Cần đảm bảo trẻ đọc sách đúng tư thế, đủ độ sáng và sự yên tĩnh, thuận lợi cho sự tập trung.
Đồng quan điểm, bà Kim Thoa nhấn mạnh vai trò của cha mẹ quan trọng trong việc hình thành, khơi gợi thói quen đọc sách của con: “Các bậc phụ huynh phải ý thức được giá trị của việc đọc sách trên bước đường trưởng thành của con, từ ý thức mới đi đến hành động”.
Xây dựng cho trẻ thói quen đọc sách đòi hỏi sự kiên trì trong một thời gian dài, và cần sự tham gia của toàn xã hội. Bởi sau khi mỗi gia đình, mỗi phụ huynh có ý thức gây dựng tủ sách cho con, khuyến khích và tạo môi trường cho con đọc sách tại gia đình thì ở nhà trường, việc này cũng không thể xem nhẹ. Các trường học cũng cần tạo không gian cho học sinh đọc sách. Hệ thống thư viện phải được mở cửa, và hoạt động sinh động chứ không phải là nơi chứa sách, bàn ghế phủ bụi. Đặc biệt, thầy cô giáo phải trở thành tấm gương cho học sinh.
“Trường học là nơi thể hiện rõ nhất chức năng, sức mạnh của văn hóa đọc, vì thế cùng với đẩy mạnh cải cách giáo dục hướng đến nền giáo dục hiện đại, tôn trọng tự do học thuật, nhu cầu truy tìm chân lý, các trường học cần coi việc xây dựng văn hóa đọc là công việc quan trọng đầu tiên để hình thành sinh hoạt trường học. Nhân viên thư viện khi rỗi phải đọc sách, cán bộ thư viện yêu sách trước, quản lý thư viện yêu sách, thầy cô cũng phải đọc sách thì học sinh mới đọc sách”, TS. Nguyễn Quốc Vương nhấn mạnh.