“Khuyến đọc” trong kỷ nguyên số
Một số liệu từng được nêu ra thời gian gần đây: Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng lại có đến 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong nhóm đầu thế giới. Một thống kê khác vào năm 2023 cho hay, hiện nay sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường. Nếu để hai loại sách này qua một bên, số còn lại chia đều trên số dân thì trung bình mỗi người Việt Nam đọc khoảng 1,2 quyển/năm.
Các hội sách mở ra ở các không gian khác nhau góp phần giúp cho người dân tiếp cận dễ dàng với sách in truyền thống |
Trong khi đó, cũng theo thống kê, tại Việt Nam có 77,93 triệu người sử dụng Internet đạt 79,1%. Với nhóm tuổi từ 16-64, chiếm khoảng 79% dân số, mỗi người Việt dành từ 6 giờ 23 phút sử dụng Internet mỗi ngày. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số.
Những con số này cho thấy số lượng người sử dụng Internet và mạng xã hội đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.
Lợi ích của Internet là không thể phủ nhận. Nhưng cũng không thể phủ nhận “cuộc sống số” đang ảnh hưởng và làm mất đi thói quen và nhu cầu đọc sách ở nhiều người, nhất là giới trẻ. Đáng lưu ý, một số nghiên cứu chỉ ra, việc tiếp xúc với thiết bị công nghệ từ quá sớm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ. Đặc biệt não bộ của trẻ nhỏ, đặc biệt từ 5-10 tuổi vẫn trong giai đoạn hoàn thiện, chưa sẵn sàng để xử lý một lượng lớn thông tin đến một cách nhanh chóng và liên tục như môi trường online cung cấp.
Chính vì thế, vấn đề khuyến khích người Việt gây dựng và nuôi dưỡng thói quen đọc sách là điều cần được quan tâm. Đặc biệt giới trẻ nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng cần duy trì thói quen đọc sách. Theo TS. Nguyễn Quốc Vương - người đã dịch và viết trên 70 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa, thì xã hội biến đổi ngày một nhanh cũng khiến cho các kiến thức học được trong trường học nhanh chóng trở nên lạc hậu và đòi hỏi khả năng thích nghi nhanh, ứng biến linh hoạt trong cuộc sống. Vì vậy, tự học và học tập suốt đời trở thành hoạt động sinh tồn của con người hiện đại. Đọc sách bởi thế sẽ là phương thức cơ bản nhất giúp cá nhân có thể tự học và học tập suốt đời.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc tiến hành các hoạt động khuyến đọc hiện đang đối mặt rất nhiều khó khăn. TS. Nguyễn Quốc Vương cho rằng, hệ thống thư viện công tuy được xây dựng lại rộng rãi, đẹp nhưng luôn ở trong tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, thiếu vắng bạn đọc đến đọc và mượn thường xuyên. Các nhà văn hóa thôn xã, các trung tâm học tập cộng đồng không có thư viện đúng nghĩa và hoạt động hiệu quả. Ngay ở các nhà trường, nơi lẽ ra phải đọc sách nhiều nhất, thường xuyên nhất thì rất nhiều trường chỉ có “thư viện” tồn tại trên danh nghĩa. Sách trong thư viện trường chỉ là sách giáo khoa cũ, sách tham khảo phục vụ soạn bài, đóng cửa thường xuyên, không có các hoạt động khuyến đọc...
Các nhà văn hóa và chuyên gia giáo dục đều cho rằng, việc xây dựng được thói quen đọc sách cho giới trẻ cần phải được rèn luyện từ nhỏ và duy trì trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, ngành văn hóa, thông tin, giáo dục phải nỗ lực biến các hoạt động khuyến đọc từ chỗ là “phong trào” thành thực chất, thành nội dung công việc tiến hành thường xuyên, đều đặn mỗi ngày. Đặc biêt, Nhà nước cần phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách vĩ mô để thúc đẩy khuyến đọc sao cho “văn hóa đọc” trở thành một “tiêu chuẩn cộng đồng”.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng - CEO của Thái Hà Books cũng từng chỉ ra thực tế, Việt Nam không có lớp dạy đọc sách. “Chưa một ngôi trường nào mở lớp dạy đọc. Các trường THCS chỉ dạy đánh vần. Cách đây khoảng 20 năm, tôi là một trong những người đầu tiên dạy đọc sách siêu tốc và chúng tôi xuất bản sách hướng dẫn đọc sách”, vị chuyên gia rất tâm huyết với sách và từng phát động phong trào “khuyến đọc” này chia sẻ, đồng thời cho biết, đã làm việc với Bộ GDĐT để đề nghị có các lớp đọc sách. Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên là cần đào tạo giáo viên. Tiếp đó, muốn các bạn trẻ đọc sách nhiều thì người lớn phải làm gương. Thế nhưng không ít người lớn đang làm gương bằng bia, rượu, thời trang, ăn uống… Hơn nữa, ngay cả không ít thầy cô giáo không có tủ sách ngon lành. Bố mẹ về không đọc sách thì sao có thể rèn con đọc sách. "Kỹ năng duy nhất phải học ở thế kỷ 21 là tự học, mà cách tốt nhất để tự học chính là tự đọc", ông Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Vương đề xuất, cần phải cải cách giáo dục mạnh mẽ, thực chất để việc học gắn liền và dựa trên nền tảng của việc đọc. Cần mạnh dạn công nhận quyền tự chủ của giáo viên, nhà trường trong xây dựng nội dung học tập và lựa chọn phương pháp hướng dẫn học sinh. Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ sử dụng các giáo tài khác nhau cho học sinh đọc, phân tích, suy ngẫm. Việc dạy và học loanh quanh với nội dung sách giáo khoa sẽ không kích thích được việc đọc sách. Đồng thời, cần làm cho thư viện hoạt động hiệu quả với đầu sách phong phú, phù hợp với nhu cầu thực tế của học sinh, giáo viên thay vì có đủ tiêu chuẩn công nhận trường chuẩn quốc gia hay đối phó với thanh tra, kiểm tra. Thư viện và nhà trường phải tiến hành các hoạt động khuyến đọc thường xuyên, hiệu quả.
Còn đối với từng cá nhân, theo ông Vương, cần giác ngộ sâu sắc về vai trò của văn hóa từ đó tùy theo hoàn cảnh, năng lực mà tham gia khuyến đọc như giúp xây dựng thư viện nhà trường, tủ sách lớp học, thành lập thư viện - tủ sách tư nhân phục vụ cộng đồng, lập các quỹ khuyến đọc, khuyến học... Những hoạt động như tặng sách cho người thân nhân dịp sinh nhật, đám cưới, tân gia, mừng tuổi năm mới... cũng là các hoạt động khuyến đọc có hiệu quả và thiết thực.