Ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất
Thách thức mới đi cùng cơ hội lớn | |
Mục tiêu lạm phát 4%: Nhiều thách thức gọi tên | |
Giá vẫn chịu chi phí trung gian vô lý |
Ông Lê Đức Thọ |
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ nhận định, 2016 là một năm thành công trong điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ, trong đó có đóng góp quan trọng của chính sách tiền tệ. Năm 2017, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM). Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát cũng là nhiệm vụ của NHNN năm nay.
Cùng với mục tiêu ổn định vĩ mô thì Chính phủ cũng đặt kế hoạch tăng trưởng GDP 6,7%. Liệu có sự mâu thuẫn ở đây không, thưa ông?
Có ổn định KTVM thì DN, người dân mới yên tâm đầu tư mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh. Cũng trên cơ sở đó, mới thu hút thêm được nhiều NĐT cả trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Ổn định kinh tế vĩ mô để chúng ta có cơ sở thực hiện các chiến lược dài hạn, cũng như các kế hoạch trung hạn và biện pháp triển khai hàng năm. Với nền tảng KTVM ổn định cũng sẽ giúp phân bổ các nguồn lực một cách phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng mục tiêu đề ra… Xét tổng thể các yếu tố trên, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Chính phủ, NHNN giúp cho tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Với những diễn biến kinh tế hiện nay, theo ông, điều hành chính sách tỷ giá có gặp nhiều khó khăn?
Có thể thấy, điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm phát huy rất tích cực trong năm 2016. Rõ nét nhất là chính sách tỷ giá góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì giá trị đồng VND, thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát tốt nhập khẩu... Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng trong năm 2017 kinh tế trong nước, đặc biệt thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường. Trong khó khăn chung nhưng chúng ta vẫn còn nhiều yếu tố thuận lợi cho điều hành tỷ giá. Như Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có độ hấp dẫn trong việc thu hút vốn đầu tư của các DN, tập đoàn lớn quốc tế.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp, cũng như gián tiếp vẫn đang có sự gia tăng. Chính phủ đang có nhiều chủ trương lớn tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh CPH thoái vốn DNNN… Nếu điều này thực hiện quyết liệt chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm đầu tư của các NĐT kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp vào thị trường tài chính. Với những kết quả đạt được trong năm 2016, tôi hoàn toàn tin tưởng cơ chế điều hành tỷ giá hiện nay tiếp tục phát huy được kết quả tốt.
Thống đốc NHNN nhấn mạnh đến vai trò các NH lớn trong Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2016 – 2020. VietinBank có những kế hoạch gì trong thời gian tới?
Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu là một trong những chương trình trọng tâm trong năm 2017 và cả giai đoạn 2016 - 2020 của VietinBank. Mấy năm qua, VietinBank rất chủ động xây dựng triển khai thực hiện các biện pháp và có chiến lược cụ thể để chủ động nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh. Song song với cái riêng của NH, VietinBank thực hiện nghiêm túc, tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém theo đúng chỉ đạo Chính phủ, NHNN.
VietinBank đang tiếp tục hỗ trợ GPBank, OceanBank, trong việc hoàn chỉnh các phương án tái cơ cấu, và triển khai quyết liệt các biện pháp để thực hiện tái cơ cấu các NH này thành công. Trên cơ sở đó, chúng tôi mới tính tới các biện pháp tiếp theo để cấu trúc lại NH này, cũng có thể CPH hoặc bán cho NĐT trong và ngoài nước hoặc NHTM khác.
Hiện, tôi được biết Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo NHNN huy động nguồn lực chất lượng cao để xây dựng luật về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu trong giai đoạn tới... NHNN đang khẩn trương để hoàn tất dự thảo trình Quốc hội vào tháng 5/2017. Tôi rất hy vọng, tin tưởng chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để tái cơ cấu hệ thống NH thành công, đạt kết quả tích cực trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!