Phải nâng cao sự tự chủ
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020. Năm 2019 ngành điện - điện tử đã nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD, trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc khoảng 32 tỷ USD. Với ngành dệt may và da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020. Năm 2019, dệt may và da giày, túi xách đã nhập khẩu 2,47 tỷ USD bông các loại; 2,3 tỷ USD xơ sợi và 12,7 tỷ USD cho vải; 5,6 tỷ USD nguyên phụ liệu. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành này phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn.
Ảnh minh họa |
Còn ngành sản xuất lắp ráp ôtô cũng không sáng sủa hơn, khi năm 2019, Việt Nam đã nhập gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện thì trong đó nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc vào khoảng 2,6 tỷ USD. Dự kiến đến cuối quý I/2020, các doanh nghiệp này cũng sẽ bị rơi vào tình trạng phải tạm ngừng sản xuất vì thiếu linh kiện, trong khi không dễ để tìm nguồn cung thay thế trong ngắn hạn.
Với tình trạng dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp như hiện nay thì khi ngành dệt may chậm nguyên liệu trong nửa tháng có thể khiến toàn ngành thiệt hại 1,5-2 tỷ USD. Trường hợp phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp sẽ phải gánh nhiều chi phí phát sinh như trả lãi vay ngân hàng, duy tu bảo trì máy móc, chi trả lương ngừng việc cho người lao động...
Trước thực trạng trên, Cục Công nghiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với các bên liên quan phía Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Về lâu về dài, cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, hãy coi đây cũng là cơ hội để thu hút đầu tư vào Việt Nam, nhất là ở các lĩnh vực mà chúng ta cần như nguyên vật liệu, công nghiệp hỗ trợ... rất cần sự hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước kịp thời và phù hợp với nguồn lực của Nhà nước hiện nay.