Phát triển chăn nuôi bền vững bằng công nghệ sinh học
Theo tìm hiểu của phóng viên Thời báo Ngân hàng, mặc dù Chính phủ đã có sự chỉ đạo đối với một số bộ ngành chức năng nhanh chóng đưa ra giải pháp bình ổn giá trên thị trường, tuy nhiên, hiện giá thịt heo ngoài chợ vẫn đang “neo” ở mức cao với giá từ 140.000 – 260.000 đồng/kg tùy loại; thậm chí có những thời điểm giá thịt heo tăng “chóng mặt”, lên đến gần 300.000 đồng/kg... Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi cho rằng, giá thịt heo tăng mạnh chủ yếu do nguồn cung không đáp ứng nhu cầu, bởi tổng đàn heo thịt đã giảm mạnh sau khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện và lan rộng tại Việt Nam trong năm qua.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) hiện tổng đàn cả nước đạt khoảng hơn 24 triệu con, bằng 77% so với thời điểm trước khi có dịch tả heo châu Phi xuất hiện. Cùng với đó, dự báo giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm nay tăng khoảng 4%, sản lượng thịt các loại ước đạt khoảng 5,5 triệu tấn, trong đó thịt heo đạt khoảng 64 - 67%. Đồng thời, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 70.000 tấn thịt heo và sản phẩm từ thịt heo (tăng 300% so với cùng kỳ 2019) từ các nước Canada, Đức, Brazil, Ba Lan và Mỹ...
Mô hình chăn nuôi áp dụng công nghệ sinh học sẽ được áp dụng rộng rãi và phổ biến hơn ở Việt Nam |
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, chăn nuôi heo trong thời gian gần đây phải đối diện với thách thức lớn về tình hình dịch bệnh. Trong đó, xuất hiện nhiều loại dịch bệnh như tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng, bệnh heo tai xanh... Tính từ đầu tháng 2/2019 (khi Việt Nam xuất hiện ổ dịch đầu tiên) đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại hơn 7.000 xã thuộc hơn 600 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy hơn 4,7 triệu con, tổng trọng lượng 270 nghìn tấn, chiếm 7% trọng lượng thịt heo của cả nước.
Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT xác định rõ, để phát triển chăn nuôi bền vững trong tình hình dịch bệnh tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, trong thời gian tới, các DN, hộ chăn nuôi cần tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn, trang trại ngoài khu dân cư. Đồng thời, tập trung vào sản xuất con giống, đẩy mạnh phát triển chuỗi, chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, tập trung phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, phát triển chăn nuôi theo hướng đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn sinh học và gắn với ứng dụng công nghệ cao.
Bàn về vấn đề này, ông Ngô Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học R.E.P nhận định, chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn sinh học sẽ là phương án tối ưu giúp ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng bảo đảm tính bền vững. Thời gian gần đây, mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, giúp ngăn chặn dịch bệnh đã được nhiều DN chăn nuôi áp dụng hiệu quả, giúp tăng sản lượng và giá trị cho vật nuôi rất nhiều. Việc áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học sẽ giúp gia tăng năng suất, chất lượng của vật nuôi, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi, hạ giá thành sản xuất, tạo điều kiện cho sản phẩm đứng vững trên thị trường.
“Một điều quan trọng nữa là nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về sử dụng các chế phẩm sinh học phòng chống dịch bệnh, nhất là trong hoàn cảnh một số bệnh trên gia súc, gia cầm có nguy cơ lây lan tiềm ẩn. Thực tế cho thấy, nếu không bảo đảm an toàn sinh học thì không thể phát triển ngành chăn nuôi bền vững, bởi nuôi theo công nghệ mới không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh, nâng tỷ trọng đàn, nâng cao chất lượng, giá trị thương phẩm cho vật nuôi, mà còn hướng đến chăn nuôi hiệu quả bền vững. Dự báo, trong thời gian tới, mô hình chăn nuôi áp dụng công nghệ sinh học sẽ được áp dụng rộng rãi và phổ biến hơn ở Việt Nam, góp phần đưa ngành chăn nuôi phát triển mạnh và hội nhập hơn với các nước phát triển trên thế giới”, ông Cường nói.
Bộ NN&PTNT đã xây dựng Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, định hướng đến năm 2040. Trong đó, chú trọng chăn nuôi an toàn, bền vững, các chuỗi liên kết chăn nuôi. Việc khôi phục đàn heo cần thời gian tối thiểu từ 3 - 5 năm, với nhiều biện pháp tổng hợp, từ quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đến việc xác lập vành đai cho các vùng chăn nuôi an toàn. Biện pháp an toàn sinh học là hữu hiệu nhất hiện nay để phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Do vậy người chăn nuôi cần thay đổi để nâng cao kiến thức về thực hành chăn nuôi tốt tại trang trại. DN cần chủ động liên kết sản xuất quy mô lớn, chăn nuôi có kiểm soát, có định hướng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và tăng cường xây dựng thương hiệu. |