Phát triển nhà ở xã hội vẫn còn “ngổn ngang”
HoREA kiến nghị bố trí khoảng 2.000 tỷ đồng ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội | |
Hà Nội: Quy định về quản lý bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội | |
Ưu tiên nhà ở xã hội cho người lao động |
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP.HCM là khoảng 134.000 căn, Hà Nội cần 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn... Tại báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM năm 2016, tỷ lệ nhà bán kiên cố chiếm đến hơn 60% và tỷ lệ nhà ở đơn sơ vẫn còn 0,7%/ tổng số nhà ở trên địa bàn. Đến năm 2018, toàn thành phố có gần 500.000 hộ chưa sở hữu nhà, ngoài ra còn nhiều hộ gia đình đông người, ở trong những căn nhà nhỏ có diện tích ở bình quân thấp hơn 10m2/người.
Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo, kiến tạo chính sách hỗ trợ, để thực hiện các dự án NƠXH |
Một khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cũng cho thấy thực trạng này: có tới 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu NƠXH trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, cán bộ công chức là 10.000, hộ thu nhập nghèo, cận nghèo là 39.000; lao động trong khu công nghiệp là 17.000. Hầu hết các nhóm đối tượng này đều có xu hướng chọn phương thức thuê mua NƠXH (chiếm tỷ lệ từ 65% - 94%).
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một vấn đề rất đáng quan tâm là đến nay cả nước mới thực hiện được khoảng 33% kế hoạch phát triển NƠXH đã đề ra và chỉ có hơn 80.000 hộ gia đình được thụ hưởng NƠXH. Hiện tại TP.HCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án NƠXH với tổng số 44.701 căn hộ, và dự kiến đến hết năm 2020, có thể hoàn thành 20.000 căn. Nhưng trên thực tế, do nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa nên vẫn thiếu nguồn cung. Và thế là NƠXH vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn của xã hội, nhất là tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh có nhiều các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong cơ cấu dân cư đô thị, thì người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị chiếm tỷ lệ lớn nhất và có nhu cầu nhà ở rất lớn, nhất là loại nhà ở thương mại 1-2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền.
Trong 14 năm qua (2004-2019), Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM, đã hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho khoảng 4.600 cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang được vay ưu đãi để mua nhà ở và đã giải ngân được khoảng 1.960 tỷ đồng (Giai đoạn đầu, suất vay là 400 triệu đồng, hiện nay suất vay là 900 triệu đồng với lãi suất vay 4,7%/năm trong 15 năm). Một điều rất đáng ghi nhận là tại TP.HCM đã có không ít DN tư nhân hoặc cá nhân tích cực tham gia phát triển các dự án NƠXH bằng nguồn vốn của DN, điển hình như các công ty Nam Long, Lê Thành, Đầu tư Thủ Thiêm, Thuận Kiều, Thiên Phát...
Theo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), hầu hết các nước trên thế giới, kể cả nhiều nước phát triển, điển hình là Singapore, Hàn Quốc, Pháp... đều có chính sách NƠXH và các chương trình phát triển NƠXH để giải quyết nhu cầu nhà ở ở mức tối thiểu cho đối tượng là người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kiến tạo chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, đặc biệt là các chính sách về tạo quỹ đất, thuế và tín dụng ưu đãi để thực hiện các dự án NƠXH và hỗ trợ tín dụng ưu đãi dài hạn cho người tiêu dùng để thuê mua, thuê NƠXH phù hợp với nhiều loại đối tượng khác nhau. Ở các nước trên thế giới, hình thức phổ biến nhất là thuê NƠXH, sau nữa là thuê mua (mua trả góp dài hạn từ 20-30 năm), và không có loại NƠXH bán ngay như ở nước ta.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển NƠXH là Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn ngân sách (làm vốn mồi) để thực hiện chính sách NƠXH. Do vậy, mặc dù Luật Nhà ở đã quy định chính sách về NƠXH, nhưng lại bị “ách tắc” trong khâu thực thi, làm cho chính sách này chưa được triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả trên thực tế. Ngoài ra, chính sách NƠXH hiện nay chưa thật sự tập trung để phát triển loại NƠXH cho thuê trở thành hướng phát triển chủ đạo.
“Hiện nay, chúng ta chưa thể rút gọn, đơn giản hóa và giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH và chủ đầu tư đã có quỹ đất sạch. Bên cạnh đó, cần phải hoàn thiện phương thức đối tác công-tư (PPP) để thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư có năng lực thực hiện dự án NƠXH, cũng như có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia ngày càng hiệu quả”, ông Châu nhấn mạnh.