Để Chương trình OCOP phát triển bền vững
Đưa sản phẩm OCOP tới tay “thượng đế” | |
Gắn OCOP với dịch vụ du lịch | |
Kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP |
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), sau gần 3 năm triển khai đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm.
Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, công tác xúc tiến thương mại đối với Chương trình OCOP được các bộ, ngành tích cực vào cuộc triển khai hiệu quả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là cơ quan thường trực chương trình đã tham mưu để Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai chương trình gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cấp, xây dựng biểu trưng OCOP Việt Nam để áp dụng thống nhất trên cả nước. Bộ Công thương cũng nhanh chóng ban hành Tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP để đến nay, cả nước đã có trên 142 trung tâm, điểm bán hàng OCOP. Các hội chợ triển lãm cấp tỉnh, khu vực với sự tham gia của hơn 10 nghìn gian hàng OCOP đã trở thành thương hiệu của địa phương và điểm đến của người tiêu dùng.
Cần xây dựng các cơ chế mang tính đột phá nhằm thúc đẩy Chương trình OCOP |
Với sự vào cuộc của các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố, thông qua nhiều đề án để cụ thể hoá việc triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng được 4.469 sản phẩm của 2.439 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu đề ra). Trong đó, 1,7% tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá có tiềm năng 5 sao. Đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý. Còn có 354 chủ thể có sản phẩm được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị như Central Retail, Saigon Coop, Mega Market...
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, ý nghĩa lớn nhất mà Chương trình OCOP mang lại là khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương đối với các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn, gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hoá truyền thống. Từng bước chuyển đổi quy mô sản xuất nhỏ sang hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín.
Chương trình cũng giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm của các địa phương với mức tăng bình quân khoảng 17,6%/năm. Ngoài ra, còn mang lại công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nếu như đến hết 2018, chỉ 30% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai chương trình thì đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành triển khai; 59/63 tỉnh, thành tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm. Điều này cho thấy việc nhận thức, chỉ đạo triển khai chương trình ngày càng tích cực hơn.
Thêm nữa, việc sản phẩm OCOP được phát triển đa dạng theo 6 nhóm (thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải - may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, du lịch) đã là sinh kế của người dân, là con đường phát triển kinh tế đa dạng, phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của mỗi địa phương từ xã, huyện, đến tỉnh. Quan trọng hơn, Chương trình OCOP đang gián tiếp góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn (khoảng 5.400 làng nghề, trong đó gần 2.000 làng nghề truyền thống). Xu hướng sản phẩm OCOP gắn với các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đang ngày càng phát triển theo hướng tích cực và được triển khai ở nhiều địa phương.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, sản phẩm OCOP đã được cung ứng rất tốt ra thị trường, có sự tăng trưởng cả về doanh thu và giá bán là minh chứng về tiềm năng, hiệu quả của Chương trình OCOP.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả như hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh; chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của thành phố Hà Nội; nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp... Từ đó, góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường.
Nhìn ở tầm vĩ mô, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân vùng nông thôn, mà còn hỗ trợ tích cực cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, sản phẩm OCOP phải ngày càng được nâng cao cả về chất lượng lẫn hình thức mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp và địa phương.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, và chính quyền các địa phương cần xây dựng các cơ chế mang tính đột phá nhằm thúc đẩy Chương trình OCOP đi vào chiều sâu hơn nữa, đưa kinh tế nông thôn phát triển thực chất mạnh mẽ. Tránh làm OCOP theo phong trào, công nhận sản phẩm OCOP nhưng lại không chú ý đến chất lượng sản phẩm, làm ảnh hưởng tới tính hiệu quả của chương trình.
Lưu ý, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để thúc đẩy thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.
Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Có ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ít nhất 50% số làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương. Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%...