Phát triển thêm thủy điện - nên chăng?
Khắc phục bất cập từ thủy điện | |
Động đất dồn dập dân bất an |
Ảnh minh họa |
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam đã có tờ trình gửi HĐND tỉnh này đề nghị bổ sung 4 nhà máy thủy điện vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ ở địa bàn. 4 dự án thủy điện được đề nghị bổ sung gồm: Thủy điện Trà Linh 1 (thuộc xã Trà Linh và Trà Cang), công suất dự kiến 26,2M; Thủy điện Tăk Lê (xã Trà Nam), công suất 11,6MW; Thủy điện Nước Lah công suất 11MW; điện lượng 38,62 triệu kWh/năm; Thủy điện Trà Leng công suất 30MW, điện lượng 104,42 triệu kWh/năm.
Tờ trình do Phó chủ tịch Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn ký đề nghị sửa đổi, bổ sung nghị quyết về quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ ở Quảng Nam, đưa vào 4 dự án thủy điện mới tại huyện Nam Trà My.
Theo nội dung văn bản trình HĐND tỉnh Quảng Nam, việc bổ sung này là cần thiết và cấp bách, đảm bảo cấp điện ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội huyện Nam Trà My. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc cấp điện cho Nam Trà My hiện chỉ có một tuyến từ TP.Tam Kỳ lên, đường điện đi dài, qua nhiều khu vực đồi núi nên tiêu tốn điện năng lớn qua từng năm, đặc biệt nguồn điện không ổn định vào mùa mưa.
Tuy nhiên, khi thảo luận để thông qua, nhiều đại biểu quan ngại, Quảng Nam cần thiết phải có nhiều thủy điện như vậy không? Chưa thấy có tỉnh nào có quá nhiều thủy điện như Quảng Nam? Thời gian qua, việc tác động tiêu cực của các nhà máy thủy điện đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhiều người dân trên địa bàn. Động đất, gây ngập lụt…
Liên quan đến đề xuất nêu trên, bà Lê Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho hay, việc đầu tư xây dựng thêm 4 thủy điện là không cần thiết và chưa tính đến vấn đề hệ lụy sâu xa. Bà Thủy cho rằng, việc xây dựng thêm thủy điện chỉ mới tính đến cái lợi trước mắt, về lâu dài thì sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống của người dân ở vùng hạ du các hệ thống sông, cùng đó sẽ gây mất đất sản xuất, mất rừng tự nhiên chưa được tính toán kỹ.
Theo bà Thủy, diện tích đất rừng bị thu hẹp để làm thủy điện, sẽ tác động đến môi trường sinh thái. Đặc biệt là ảnh hưởng đời sống, văn hóa của người đồng bào dân tộc miền núi gắn liền với thiên nhiên, gắn liền với rừng.
Trong khi đó, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng, việc xây dựng thêm 4 thủy điện trên địa bàn huyện là cần thiết do Nam Trà My đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, nguyên nhân do thiếu điện. Hiện địa phương đang phát triển cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh kéo theo nhiều tập đoàn lớn tiến hành đầu tư và xây dựng các cụm công nghiệp, nếu không có điện thì DN không thể hoạt động.
Đồng tình với quan điểm cần xây dựng thêm 4 nhà máy thủy điện tại khu vực này, ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam cho rằng, việc xây dựng 4 thủy điện đã xem xét kỹ, tất cả 4 nhà máy có công suất nhỏ, chiếm diện tích đất rừng ít; ảnh hưởng tự nhiên, môi trường sinh thái nhỏ. Hồ chứa các nhà máy không đáng kể, hồ lớn nhất 1 triệu mét khối, còn lại từ 500-600 ngàn mét khối.
Thiết nghĩ việc xây dựng thêm các nhà máy thủy điện trên địa bàn Quảng Nam, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng cần xem xét kỹ, làm thế nào để phù hợp với lợi ích trước mắt và hướng phát triển lâu dài. Nên cân đối kỹ để xem chọn thủy điện hay chọn môi trường; đồng thời làm thế nào để không ảnh hưởng đến đời sống, văn hóa của người dân địa phương.