Động đất dồn dập dân bất an
Hạn chế tác động tiêu cực từ thủy điện | |
Động đất kèm nổ lớn tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 |
Động đất rồi tụt giảm mạch nước ngầm
Mỗi lần rung chấn diễn ra chừng 4-5 giây. Ông Hồ Văn Hòa ở thị trấn A Lưới cho hay, khi đang ngồi trên giường thì nghe một đợt rung khá mạnh. Cơn rung chấn khiến cái vòm sắt cuối mái nhà ông lắc lư. Chưa hết bàng hoàng, buổi tối khi chương trình thời sự VTV bắt đầu, cả gia đình đang ăn cơm lại rợn người vì mọi thứ trong nhà lắc lư…
Động đất xảy ra liên tục kể từ khi nhà máy thủy điện A Lưới tích nước |
Cùng bất an, ông Hồ Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Húc Nghì, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho hay, “Máy tính, ly nước cùng nhiều đồ đạc khác trong phòng làm việc của tôi ở trụ sở UBND xã đều bị xô lệch. Tôi cùng một số cán bộ khác hốt hoảng chạy xuống tầng dưới và ra khỏi công sở”, ông Ngọc còn cho biết thêm, đã tìm hiểu ở các hộ dân, các công trình công cộng nhưng chưa phát hiện hư hại lớn. Song nhiều hộ dân đều tỏ ra lo lắng.
Không chỉ thấp thỏm, âu lo khi động đất liên tiếp xảy ra kể từ khi hồ thủy điện A Lưới tích nước, nhiều hộ dân sống bên thủy điện này tại huyện miền núi A Lưới gặp nhiều khó khăn khi mạch nước ngầm trong vùng tụt giảm bất thường.
Ông Đoàn Quang Huy, trú xã Hồng Thượng, huyện A Lưới nói: “Trước đây không hề có động đất, nhưng kể từ khi nhà máy thủy điện A Lưới tích nước phát điện thì động đất xảy ra liên tục nên ai cũng âu lo. Chưa hết, sản xuất và cuộc sống của người dân trong vùng còn bị đảo lộn khi các mạch nước ngầm tụt giảm nghiêm trọng khiến ao hồ trơ đáy ngay từ đầu mùa Xuân”.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND xã Phú Vinh, huyện A Lưới dẫn giải, để dẫn nước từ hồ chứa trên sông A Sáp về nhà máy thủy điện A Lưới, chủ đầu tư cho đào kênh dẫn lớn dài trên 2 km từ xã Hồng Thượng đến cửa hầm lấy nước ở xã Phú Vinh. Kênh đào đi vào hoạt động, nước mạch ngầm tại khu vực này bắt đầu tụt giảm nghiêm trọng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh với cấp trên nhưng vẫn chưa được giải quyết căn cơ.
Nguyên nhân từ thủy điện?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành quan trắc tài nguyên môi trường khu vực nói trên để tìm nguyên nhân mạch nước ngầm tụt giảm. Trường hợp do công trình thủy điện A Lưới gây ra thì cần sớm có hướng khắc phục và hỗ trợ cho bà con.
Riêng động đất xảy ra liên tục là hiện tượng lạ khiến bà con hoang mang. Chúng tôi đang chờ kết luận từ phía cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học nên chẳng biết phải giải thích thế nào để người dân an tâm”, ông Hùng phân trần.
TS. Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, từ năm 2014 đến nay đơn vị đã ghi nhận khoảng 20 trận động đất với độ lớn từ 2,5 - 4,7 độ richter xảy ra tại khu vực huyện A Lưới và khu vực giáp ranh với thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Phần lớn các trận động đất có chấn tâm gần nhau.
Đơn vị đã có đề xuất và đang chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt việc thực hiện nghiên cứu về động đất khu vực A Lưới và vùng lân cận. Song bước đầu có thể đưa ra hai giả thiết về nguồn gốc phát sinh. Giả thiết thứ nhất là các trận động đất này có nguồn gốc kiến tạo, tức là do một đứt gãy kiến tạo đang hoạt động.
Giả thiết thứ hai là động đất kích thích, được phát sinh như hệ quả của các hồ chứa nước thủy điện. “Chỉ khi nào có số liệu chính xác từ thực địa thì các nhà khoa học mới có thể biết được mức độ ảnh hưởng và diễn biến của các vùng thường xảy ra động đất nhỏ trong tương lai gần. Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương nên di dân ra khỏi khu vực có bán kính đủ an toàn, tính từ vị trí xây dựng hồ thủy điện A Lưới. Trường hợp xảy ra động đất, dù có tiếng nổ lớn, người dân đừng quá hoảng sợ mà nên bình tĩnh thoát ra khỏi nhà, tìm đến các khoảng trống để tránh”, TS. Nguyễn Xuân Anh cho biết.
“Các trận động đất tại khu vực này có cường độ nhỏ, trong khi ở đây mới chỉ có một trạm quan trắc. Phải cần thêm ít nhất là từ 5 – 10 trạm đặt ở các vị trí khác nhau để quan trắc, đồng thời tiến hành song song các bước nghiên cứu mới tìm được nguyên nhân”, ông Nguyễn Xuân Anh nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Hiện Bộ Khoa học Công nghệ vừa phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặt hàng "Nghiên cứu, đánh giá độ nguy hiểm động đất phục vụ quy hoạch phát triển vùng lãnh thổ, bảo đảm an toàn công trình thủy điện, thủy lợi và di tích văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế".
Trước mắt, để chủ động ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị liên quan, mời chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu tổ chức các lớp tập huấn và giới thiệu phương pháp phòng chống động đất cho các xã, thị trấn thuộc huyện A Lưới; hướng dẫn cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới sử dụng các tờ rơi, áp phích về phòng chống động đất để tuyên truyền rộng rãi cho người dân.