RCEP: Doanh nghiệp cần chủ động nhập cuộc
Hội nghị nhằm cung cấp thông tin cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các chính sách mới nhất của Việt Nam để thực hiện RCEP đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Trao đổi tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng Hiệp định RCEP sẽ giúp doanh nghiệp Việt có thêm lựa chọn tiếp cận một thị trường “đặc biệt”. Cụ thể, đặc biệt lớn nhất là hiện các nước RCEP chiếm khoảng 40% thị phần xuất khẩu và 70% thị phần nhập khẩu của Việt Nam. Tiếp theo là đặc biệt tiềm năng với đặc điểm của các nước thu nhập bình quân tăng, trẻ, tiêu dùng lớn, sẵn sàng thử nghiệm sản phẩm mới. Đặc biệt đa dạng với nhiều tệp khách hàng khác nhau, mang tới cơ hội cho tất cả các chủ thể kinh doanh. Đặc biệt quan trọng với nông, lâm, thủy sản Việt Nam, nhất là thị trường Trung Quốc.
Có thể nhận thấy, so với các FTA khác, Hiệp định RCEP khá “rón rén” về ưu đãi thuế với lộ trình tối đa cắt giảm thuế quan có nước kéo dài lên tới 21 năm nhưng lại có quy tắc xuất xứ hài hoà, “dễ thở” hơn để các doanh nghiệp DNNVV cũng có thể đáp ứng.
Minh chứng là với các FTA khác, muốn được ưu đãi doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu chặt chẽ về quy tắc xuất xứ, để đảm bảo tính nội khối. Trong các FTA Việt Nam đã có, các đối tác hẹp nên khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ rất khó khăn. Đơn cử như với dệt may, phần lớn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc nên khi xuất khẩu sang Nhật Bản, phần lớn không được hưởng ưu đãi.
Còn đối với RCEP, phần lớn các nước là đối tác cung cấp nguyên vật liệu cho Việt Nam, khái niệm nội khối rất rộng, do vậy mặc dù ưu đãi không nhiều như các FTA khác nhưng lại dễ dàng đáp ứng để doanh nghiệp có thể tận dụng được.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng những lợi thế từ Hiệp định này, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần nhiều hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng như: Hỗ trợ về quy tắc xuất xứ; hướng dẫn cách hiểu và thực hiện cơ chế cấp C/O thuận lợi; hướng tới thực hiện tự chứng nhận xuất xứ; hỗ trợ tận dụng ưu đãi thuế quan. Đồng thời, cần sớm ban hành Nghị định biểu thuế ưu đãi, các Thông tư về Quy tắc xuất xứ và cơ chế liên quan; thủ tục xuất nhập khẩu liên quan tới RCEP thuận lợi, nhanh chóng…
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các doanh nghiệp không tách rời RCEP với các FTA khác trong chiến lược kinh doanh của mình, đảm bảo “hái từ trái thấp”; chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xuất khẩu, đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật; theo dõi xu hướng về các biện pháp phi thuế quan ở các thị trường RCEP; tận dụng hiệu quả nguồn vốn và chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn, tận dụng cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Trước nỗi quan ngại về tình trạng “lũ” nhập siêu có thể xảy ra khi thực hiện RCEP, đại diện VCCI cho rằng Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường với các đối tác thông qua việc loại bỏ hàng rào thuế quan, cắt giảm theo lộ trình nhất định. Điều này tất nhiên sẽ tạo cơ hội cho hàng hóa các nước RCEP có thêm cơ hội vào nước ta.
Tuy nhiên từ góc độ xem xét các cam kết của RCEP, có thể thấy rằng tình trạng “lũ” nhập khẩu hàng hoá từ RCEP khó xảy ra. Bởi lẽ, các nhà đàm phán của Việt Nam đã đạt được những cam kết khá tốt, tương tự như các cam kết trước đây chúng ta đã có với các nước RCEP với lộ trình tương đối dài, đủ để doanh nghiệp thích ứng.
Tại Hội nghị, các phóng viên, biên tập viên cũng đã lắng nghe đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trình bày về một số nội dung như: Quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định RCEP; Một số nội dung về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, dịch vụ tài chính và thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại của Việt Nam để thực hiện Hiệp định RCEP.