Thích nghi để phát triển
Ngân hàng số tương lai trong phiên bản internet banking mới của TPBank | |
Ngân hàng số: Tạo lập cái mới của chính mình | |
Ngân hàng số: Cuộc chơi không dành cho những “tay mơ” |
Xã hội đang bước vào thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời kỳ của nền kinh tế số. Ở đó, mọi lĩnh vực đều được “số hóa”, song dường như các DN Việt Nam vẫn chưa thể thích nghi. Bằng chứng là, số DN chuyển đổi số thành công không nhiều, trong khi số thất bại thì áp đảo. Có đến 80% số DN thực thi quá trình chuyển đổi số không thành công hiện nay. Điều này cũng đồng nghĩa, mặc dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia có số lượng lớn các lập trình viên giỏi, song quá trình chuyển đổi số của DN Việt lại không được như kỳ vọng. Bài toán này cần phải nhanh chóng có lời giải.
Số hóa đang thay đổi tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta cũng như các mô hình kinh doanh hiện tại. Các ngành công nghiệp sản xuất có thể thu được nhiều lợi ích từ việc tận dụng các xu hướng công nghệ như thiết kế dựa trên thuật toán tối ưu và các mô hình thông minh. Quy trình sản xuất trở nên sáng tạo hơn nhờ vào các công nghệ sản xuất bồi đắp, rô-bốt tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, và các mô hình dịch vụ mới hiện đang được phát triển cùng với việc sử dụng các giải pháp điện toán đám mây và tự động hóa kiến thức. Việc chuyển đổi kỹ thuật số không còn là một lựa chọn, mà là hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế nói chung và của doanh nghiệp nói riêng.
Ảnh minh họa |
Chúng ta đã chứng kiến nhiều gã khổng lồ bị quật ngã trước làn sóng kỹ thuật số, như Nokia, Kodak… là điển hình của các công ty không bắt kịp xu hướng công nghệ hiện đại. Mặt khác, làn sóng công nghệ đã mang đến những đột phá mới. Đó là sự vươn mình của các doanh nghiệp tỷ đô mới - những doanh nghiệp đã ứng dụng thành công các công cụ công nghệ số để tạo ra lợi nhuận theo những cách “không tưởng”.
Nắm bắt được cơ hội và cả những thách thức của công cuộc số hóa, nhiều doanh nghiệp đã đi tìm lời giải đáp “Làm thế nào để số hóa thành công?”. Tuy nhiên, đây là một vấn đề phức tạp và không có công thức cụ thể nào để chuyển đổi kỹ thuật số cho một tổ chức, một công ty nào giống nhau. Yêu cầu về công nghệ số trong các ngành nghề cũng khác nhau nên việc thực hiện quá trình này cũng mang tính riêng biệt.
Ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ, ở nước ta hiện nay có rất ít doanh nghiệp thành công, trở thành một tập đoàn lớn hình thành nên hệ sinh thái. Quá trình số hóa của DN gắn liền với thương hiệu của DN đó. Chỉ đến khi nào người dân nhìn thấy một thương hiệu và yên tâm rằng vào đây mọi thứ đều tốt thì đó là thành công. Chính vì vậy, cần xây dựng những thương hiệu lớn để chúng ta có nhiều lựa chọn hơn. Giải pháp cho câu chuyện kết nối thương hiệu Việt là ứng dụng công nghệ thương hiệu Việt như phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; gia tăng tốc độ chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh doanh ngành hàng.
Về mảng tài chính, năm 2019, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã ra mắt nền tảng số dành cho doanh nghiệp - MB App Business & eMB new, đánh dấu cột mốc mới trên hành trình tiến tới mục tiêu trở thành “Ngân hàng thuận tiện nhất” vào năm 2021. MB App Business & eMB new có nhiều tính năng ưu việt như hạn mức giao dịch lớn; đa kênh liền mạch (lập giao dịch trên eMB new, duyệt trên MB App Business và ngược lại); giao diện thân thiện, hướng đến trải nghiệm người dùng, đa ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung, Hàn). Tốc độ giao dịch nhanh, vượt trội. Đặc biệt, nền tảng số dành cho doanh nghiệp của MB lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường tích hợp các tính năng áp dụng công nghệ 4.0 như chuyển tiền quốc tế online, mua bán ngoại tệ online…
Theo ông Vũ Thành Trung, Giám đốc Khối Ngân hàng số MB, ngân hàng đã và đang hoàn thiện hệ sinh thái số với mục tiêu từng bước cung cấp cho các khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân là cán bộ nhân viên của doanh nghiệp nền tảng ngân hàng số 4.0, với trải nghiệm đa kênh, thuận tiện, nhanh chóng trên bộ công cụ số hóa 100% trong việc quản trị doanh nghiệp (nhân sự, kế toán, thuế, trả lương); dịch vụ ngân hàng (quản lý dòng tiền, quản lý chuỗi cung ứng, thanh toán, chuyển tiền)...
Việc ra mắt sản phẩm trên tiếp tục đánh một dấu mốc quan trọng trên lộ trình triển khai kế hoạch 5 năm 2017 – 2021 với tầm nhìn trở thành “ngân hàng thuận tiện nhất”, mục tiêu đến năm 2021 sẽ nằm trong Top 5 ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất của MB. Để thực hiện các mục tiêu này, MB tập trung triển khai chiến lược theo phương châm "Đổi mới, hợp tác, hiện đại hóa và phát triển bền vững", mà ngân hàng số là một trong ba trụ cột, bên cạnh ngân hàng cộng đồng, ngân hàng chuyên nghiệp theo ngành, ông Trung cho biết thêm.
Sự phát triển của công nghệ số đang làm biến đổi mọi mặt của đời sống, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nhưng cũng là thách thức lớn với mô hình kinh doanh truyền thống. Phát triển ngân hàng số là yêu cầu cấp thiết đặt ra với các ngân hàng nếu không muốn bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường tiền tệ, thanh toán. Chuyển đổi số cũng chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngân hàng, của mỗi định chế tài chính.