Sớm luật hóa quy định xử lý nợ xấu
Sớm gỡ vướng mắc trong tranh chấp tín dụng để hỗ trợ việc thu hồi nợ, xử lý nợ xấu của các TCTD | |
Kéo dài Nghị quyết 42 là rất cần thiết | |
Luật hóa Nghị quyết 42 để phát huy hiệu quả xử lý nợ xấu |
Gần đây các ngân hàng lớn nhỏ liên tục rao bán tài sản đảm bảo (TSĐB) để thu hồi nợ. Đáng chú ý từ đầu tháng 6 này, nhóm Big4 cũng ráo riết bán đấu giá nhiều BĐS có giá trị lớn để thu hồi nợ. Agribank thông báo bán đấu giá bốn BĐS tại phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức với giá khởi điểm 72,1 tỷ đồng, cũng tại địa bàn này, Agribank rao bán một lô đất 420 m2 với giá khởi điểm 17,1 tỷ đồng. VietinBank cũng rao bán nhiều khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Vũ Quang với giá khởi điểm 20,3 tỷ đồng...
Có thể nói trong thời gian qua, các ngân hàng rất tích cực tổ chức đấu giá các TSĐB với mong muốn sớm thu hồi nợ. Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động đấu giá của các ngân hàng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Nhiều khoản nợ rao bán hơn chục lần và giảm giá mạnh mà chưa “hút” được khách. Đơn cử, Vietcombank vừa thông báo lần thứ 15 bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Việt Trường Sơn. Ở lần thông báo đấu giá thứ 15, Vietcombank đưa ra giá khởi điểm là 20,6 tỷ đồng, giảm hơn 18 tỷ đồng, tương đương 46% so với lần đầu tiên vào tháng 4/2020. Hay như BIDV thông báo chào bán lần thứ 11 khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh. Giá khởi điểm đấu giá BIDV đưa ra là hơn 1.154 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm vào cuối năm 2020.
Lãnh đạo một công ty mua bán nợ chia sẻ, lý do khiến các khoản nợ ngân hàng chào bán nhiều lần và liên tục giảm giá nhưng vẫn ế là do tâm lý khách hàng. Thường người mua sẽ ngại mua một tài sản có giá trị mà có "mác" là xử lý nợ xấu. Chưa kể là họ vẫn lo khi đấu giá thành công họ có gặp vướng mắc gì trong quá trình hoàn thiện thủ tục để nhận tài sản không. Thậm chí có thể sẽ dính tới kiện tụng mất rất nhiều thời gian. Trong khi mua BĐS không liên quan đến nợ xấu thường thuận lợi hơn dù giá có cao hơn chút nhưng họ cũng chấp nhận.
Khi ngân hàng xử lý tốt nợ xấu sẽ có thêm điều kiện hỗ trợ tăng trưởng kinh tế |
Lãnh đạo một ngân hàng cũng thừa nhận, tốc độ thu hồi nợ thông qua đấu giá tài sản đang chậm lại. Do vậy, ngân hàng phải tính toán đưa ra mức giá phù hợp hơn với thị trường để rao bán thành công. “Giờ ngân hàng lo nhất các trường hợp chây ỳ, không hợp tác. Những trường hợp này, ngân hàng cố gắng đàm phán để hai bên ngồi lại với nhau đưa ra hướng xử lý phù hợp. Bất đắc dĩ lắm ngân hàng mới tính đến khởi kiện khách hàng ra toà. Bởi giải pháp này mất nhiều thời gian, tiền bạc mà không hiệu quả. Có những vụ việc dù ngân hàng đã nộp đơn kiện nhiều năm, nhưng vẫn không được tòa thụ lý, khiến ngân hàng rất mệt mỏi”, vị này chia sẻ.
Không phủ nhận thời gian qua, các ngân hàng đã xử lý một khối lượng lớn nợ xấu nhờ hỗ trợ tích cực từ Nghị quyết 42 cũng như nỗ lực từ các ngân hàng. Nhưng trên thực tế, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng TS. Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận, các ngân hàng vẫn đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình XLNX, đặc biệt là quyền thu giữ hay sang tên, mua bán TSĐB, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSĐB, đang bị mắc trong hoàn trả TSĐB là vật chứng trong vụ án hình sự. Việc chưa có cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSĐB... vẫn đang tiếp tục làm khó ngân hàng. Dù Quốc hội đã cho phép gia hạn áp dụng Nghị quyết 42 thêm một năm, nhưng những vướng mắc trên vẫn chưa thể tháo gỡ thì không thể đẩy nhanh XLNX.
Để giải quyết những vấn đề liên quan đến XLNX, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV ban hành, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về XLNX, TSĐB của khoản nợ xấu cùng việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD, trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ năm (diễn ra vào tháng 5/2023). Như vậy, còn chưa đầy một năm nữa, NHNN phải xây dựng xong Dự thảo sửa đổi Luật Các TCTD và dự thảo Luật Xử lý nợ xấu để trình Quốc hội xem xét. Theo chia sẻ của một lãnh đạo NHNN, đây là nhiệm vụ vô cùng thách thức đối với ngành Ngân hàng bởi vì quy định về XLNX, TSĐB liên quan nhiều Luật, Bộ Luật như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS... “Nhưng dù có gấp gáp, khó khăn, NHNN cũng sẽ cố gắng hoàn thiện Dự thảo để kịp trình Quốc hội vào tháng 5 năm sau”, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.
Giới chuyên môn cũng cho rằng, việc hoàn thiện sớm khung pháp lý theo hướng luật hóa quy định XLNX và đảm bảo hài hòa, không chồng chéo giữa Luật Các TCTD sửa đổi và các quy định pháp luật khác là không hề đơn giản nếu không nói là sẽ rất phức tạp. Muốn “hoá giải” nó rất cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành khác và đây là nhiệm vụ cấp bách. Bởi khi môi trường hành lang pháp lý thuận lợi cho XLNX, ngân hàng giải phóng được lượng lớn vốn tồn đọng thì vòng quay vốn sẽ nhanh và hiệu quả hơn trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Vì lẽ đó, việc hoàn thiện khung pháp lý cho XLNX không phải là nhiệm vụ của riêng ngành Ngân hàng.