Chỉ số kinh tế:
Ngày 23/6/2025, tỷ giá trung tâm của VND với USD là 25.028 đồng/USD, tỷ giá USD tại Cục Quản lý ngoại hối nhà nước là 23.827/26.229 đồng/USD. Tháng 5/2025, chỉ số IIP ước tăng 4,3% so với tháng trước và 9,4% so với cùng kỳ. Cả nước có hơn 15,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư công tăng mạnh 15,3%, FDI đăng ký tăng 51,2%, FDI thực hiện tăng 7,9%. Tổng thu ngân sách đạt 172,4 nghìn tỷ đồng, lũy kế 5 tháng tăng 24,5%. Xuất nhập khẩu đạt 78,64 tỷ USD, tăng 15,5%; CPI tăng nhẹ 0,16%, lạm phát cơ bản giữ ở mức 3,10%. Việt Nam đón 1,53 triệu lượt khách quốc tế trong tháng, nâng tổng 5 tháng lên 9,2 triệu lượt, tăng 21,3% so với cùng kỳ.
banner-dai-hoi-dang

Sửa Luật Quy hoạch: Gỡ nút thắt cho sáp nhập địa giới

Trần Hương
Trần Hương  - 
Sáng nay (10/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 46, thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, hướng tới phục vụ hiệu quả việc sáp nhập địa giới hành chính và chuyển đổi mô hình chính quyền. Các đại biểu tập trung làm rõ các vướng mắc thực tiễn, từ mâu thuẫn quy hoạch, phân cấp thẩm quyền đến quy định chuyển tiếp, nhằm đảm bảo luật khả thi, hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Chủ tịch Quốc hội đề nghị khẩn trương rà soát, gửi dự thảo cho các địa phương sáp nhập để lấy ý kiến, đồng thời yêu cầu nâng cao chất lượng văn bản dưới luật, đảm bảo luật có hiệu lực từ 1/7/2025, tháo gỡ triệt để ách tắc cho sáp nhập tỉnh, thành phố.
aa
Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Năm nhóm vấn đề nổi bật trong thảo luận

Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa danh mục định hướng ưu tiên đầu tư vào nội dung quy hoạch. Đây được xem là căn cứ quan trọng để lập kế hoạch thực hiện, tránh tình trạng lạm dụng, điều chỉnh không kiểm soát và hạn chế cơ chế xin cho khi triển khai các dự án đầu tư.

Về quy định chuyển tiếp, Ủy ban bày tỏ lo ngại rằng việc bổ sung trường hợp điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để thực hiện các dự án khẩn cấp, nhiệm vụ cấp bách nhưng chưa xác định rõ nội hàm, tiêu chí, điều kiện áp dụng và cơ quan có thẩm quyền quyết định có thể dẫn đến tùy tiện. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn đến môi trường và tính bền vững. Do đó, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá tác động của nội dung này. Đồng thời, Ủy ban kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để nghiên cứu, chỉnh lý và hoàn thiện ngôn ngữ, thể thức kỹ thuật lập pháp của dự thảo luật, đảm bảo chất lượng trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 9 đã ghi nhận sự đồng thuận cơ bản giữa Chính phủ và cơ quan thẩm tra về các nội dung chính trong báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý. Tuy nhiên, năm nhóm vấn đề còn ý kiến khác nhau đã được đưa ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận. Trước hết, nguyên tắc lập và thứ tự ưu tiên trong phê duyệt, quyết định quy hoạch cần được làm rõ để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý. Tiếp theo, mối quan hệ giữa các quy hoạch, đặc biệt là cách xử lý mâu thuẫn giữa quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành và quy hoạch tỉnh khi có sự giao thoa về phạm vi, là một nội dung quan trọng.

Về phân cấp thẩm quyền, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đồng ý chỉ phân cấp cho Chính phủ trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch không gian sử dụng đất, không gian biển quốc gia và không gian sử dụng đất quốc gia, nhưng chưa thống nhất về việc điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và sau năm 2030.

Ngoài ra, danh mục chương trình định hướng đầu tư trong quy hoạch cũng gây tranh luận, khi Chính phủ dự kiến chuyển nội dung này xuống kế hoạch thực hiện, nhưng cơ quan thẩm tra lo ngại điều này có thể dẫn đến điều chỉnh tùy tiện. Cuối cùng, quy định chuyển tiếp, đặc biệt liên quan đến dự án khẩn cấp, cần được thảo luận thêm để làm rõ tiêu chí, điều kiện áp dụng và cơ quan có thẩm quyền quyết định, nhằm tránh sự tùy tiện và đảm bảo tính bền vững.

Một số đại biểu nhấn mạnh cần làm rõ các vấn đề liên quan đến không gian biển quốc gia, khoa học, công nghệ và môi trường. Ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính được đánh giá là cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính hợp lý. Đồng thời, các đại biểu đặt câu hỏi về các vấn đề văn hóa, xã hội, và liệu các mâu thuẫn, chồng chéo trong quy hoạch có thể được xử lý để hỗ trợ các dự án đầu tư trong các lĩnh vực liên quan hay không.

Vướng mắc thực tiễn và giải pháp cấp bách

Một số đại biểu khác bày tỏ lo ngại rằng Luật Quy hoạch đã được sửa nhiều lần, nhưng các địa phương vẫn phản ánh nhiều vướng mắc. Các đại biểu nhấn mạnh cần xác định rõ vướng mắc nằm ở đâu, liệu do luật chưa rõ ràng, nghị định chưa triển khai hiệu quả, hay thông tư của các Bộ chưa phù hợp.

Trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, thành phố, kỳ vọng của địa phương rất lớn, đòi hỏi luật sửa đổi lần này phải tháo gỡ căn cơ, bài bản. Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính nên lấy ý kiến trực tuyến hoặc gửi dự thảo cho các Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đang sáp nhập để góp ý.

Qua các phiên thảo luận tổ và hội trường, lãnh đạo Trung ương và địa phương đều chỉ ra rằng nguồn lực quy hoạch hiện nay gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, sửa đổi lần này cần tập trung tháo gỡ ngay những ách tắc, đảm bảo luật phục vụ hiệu quả cho việc tinh gọn tổ chức bộ máy và sáp nhập địa giới hành chính.

Các đại biểu nhấn mạnh, nếu Quốc hội thông qua việc sáp nhập 34 tỉnh, thành phố vào ngày 12 và ký nghị quyết vào ngày 13, Luật Quy hoạch sửa đổi sẽ đóng vai trò then chốt. Do đó, cần sửa đúng, sửa trúng, không cần dài dòng, nhưng phải giải quyết được các vấn đề thực tiễn mà địa phương đang gặp phải.

Các đại biểu cũng lưu ý rằng Quốc hội đã lập đoàn giám sát và ban hành nghị quyết tháo gỡ, nhưng địa phương vẫn kêu khó, không làm được. Vì vậy, cần chỉ ra chính xác vướng mắc ở đâu để thiết kế các điều khoản cụ thể, giúp tháo gỡ triệt để, ví dụ như việc tích hợp quy hoạch khi sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam để vừa triển khai quy hoạch, vừa thực hiện các dự án đầu tư.

Giải trình ý kiến các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 đã thay đổi căn bản và toàn diện, tích hợp các quy hoạch từ quốc gia, vùng, tỉnh đến các cấp dưới. Tuy nhiên, ngay từ đầu, quá trình triển khai đã gặp vướng mắc, do 63 tỉnh, thành phố đồng loạt lập quy hoạch trong khi năng lực tư vấn hạn chế. Dù các địa phương đã nỗ lực, nhiều nơi vẫn chỉ chạy theo tiến độ, dẫn đến chất lượng không đảm bảo.

Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, để đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhiều địa phương năng động đã thu hút các nhà đầu tư lớn, với sự hỗ trợ từ các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới. Khi các nhà đầu tư rà soát và thấy quy hoạch không phù hợp, họ yêu cầu điều chỉnh, buộc tỉnh phải thay đổi để thu hút đầu tư. Theo quy định, cơ quan phê duyệt quy hoạch cũng chính là cơ quan điều chỉnh, dẫn đến mọi việc tập trung về Trung ương, gây ách tắc nghiêm trọng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, lần sửa đổi này tập trung vào yêu cầu của Nghị quyết 127, phục vụ việc thay đổi địa giới hành chính và sáp nhập tỉnh, chuyển từ ba cấp sang hai cấp. Tuy nhiên, sửa đổi hiện tại chưa toàn diện, và sau sáp nhập, cần rà soát để sửa đổi căn cơ, có thể vào kỳ họp thứ 10 hoặc kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới.

Bộ trưởng cũng báo cáo rằng dự thảo luật đã nhận được sự đồng thuận cao từ các địa phương, đặc biệt là việc phân cấp điều chỉnh quy hoạch cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, với ý kiến đồng thuận được ghi nhận cả bằng văn bản. Bộ Tài chính cũng đã xây dựng xong dự thảo nghị định, đang lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương để ban hành ngay từ 1/7/2025, đảm bảo các địa phương triển khai thuận lợi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cam kết tiếp thu ý kiến thẩm định của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, sửa đổi quy định về lập đồng thời các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, cho phép lập cùng lúc với quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh, nhưng phải phê duyệt sau khi các quy hoạch cấp trên được thông qua. Nguyên tắc xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch khoáng sản, sẽ được giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Về phân cấp thẩm quyền, Chính phủ chỉ đề xuất được quyết định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia và không gian biển quốc gia, còn thẩm quyền quyết định vẫn thuộc Quốc hội. Nội dung kế hoạch thực hiện quy hoạch cũng được sửa đổi, chuyển danh mục dự án ưu tiên đầu tư sang kế hoạch thực hiện, phân cấp cho Bộ trưởng và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh để tạo sự linh hoạt, đồng thời hạn chế cơ chế xin cho. Bộ trưởng nhấn mạnh, sau khi sáp nhập, chiến lược và không gian phát triển của các địa phương sẽ thay đổi, đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi luật một cách căn cơ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính khẳng định, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, đã làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Môi trường để xác định các vướng mắc. Quốc hội đã giám sát và ban hành Nghị quyết 61, đặt vấn đề tổng kết, đánh giá và sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, lần sửa đổi này chỉ mang tính chữa cháy, chưa giải quyết triệt để các vấn đề.

Để tháo gỡ toàn diện, cần sửa trên dưới 60 luật, đặc biệt là Luật Đất đai, Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, cùng hơn 1000 văn bản dưới luật. Vấn đề Ninh Thuận, với tiềm năng điện gió, điện mặt trời, cần được xem xét trong quy hoạch tổng thể quốc gia để phát triển thành trung tâm năng lượng và trung tâm dữ liệu. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính đề xuất, từ nay đến sáu tháng cuối năm, Thường trực Quốc hội, Thường trực Chính phủ và hai Đảng ủy cần xác định nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết căn cơ các vấn đề quy hoạch, đồng thời khẳng định sự đồng hành với Bộ Tài chính để hoàn thiện dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tiếp thu, giải trình của Bộ Tài chính và sự phối hợp của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính. Dự thảo luật được cho là đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, với hiệu lực từ 1/7/2025. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, làm rõ nguyên tắc lập quy hoạch, xử lý mâu thuẫn, phân cấp thẩm quyền, danh mục định hướng đầu tư và quy định chuyển tiếp. Các luật khác liên quan đến quy hoạch, như Luật Đầu tư Công, Luật Năng lượng Nguyên tử sửa đổi, cũng cần được nghiên cứu để đảm bảo đồng bộ. Chính phủ được đề nghị khẩn trương hoàn thiện báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, gửi dự thảo cho các địa phương sáp nhập để lấy ý kiến, đảm bảo luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tinh thần Nghị quyết 127.

Trần Hương

Tin liên quan

Tin khác

Không ngừng đổi mới, sáng tạo, đưa nền báo chí cách mạng vươn mình cùng dân tộc

Không ngừng đổi mới, sáng tạo, đưa nền báo chí cách mạng vươn mình cùng dân tộc

Ngày 21/6/2025, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, diễn ra Lễ kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Sự kiện nhằm tôn vinh những thành tựu của báo chí cách mạng Việt Nam trong 100 năm qua. Đây cũng là kim chỉ nam để các nhà báo tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình trong giai đoạn đất nước đang vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.
Một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc

Một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc

Trong suốt chiều dài lịch sử, báo chí cách mạng Việt Nam luôn là dòng chảy mãnh liệt, vun đắp lý tưởng, kết nối niềm tin và không ngừng chuyển mình để lan tỏa, đồng hành cùng quá trình phát triển của dân tộc.
Xây dựng một nền báo chí phụng sự Nhân dân

Xây dựng một nền báo chí phụng sự Nhân dân

Trong hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức sâu sắc vai trò đặc biệt của báo chí trong việc giác ngộ quần chúng, thúc đẩy phong trào cách mạng. Từ những ngày hoạt động ở Pháp, Người đã góp phần sáng lập và viết bài cho các tờ báo tiến bộ như: Le Paria, L’Humanité, truyền bá lý luận cách mạng vô sản. Khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người sáng lập tờ Thanh niên - ra số đầu ngày 21/6/1925 - khai mở dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí vẫn là di sản vô giá, soi đường cho sứ mệnh của báo chí cách mạng.
Trung tâm tài chính quốc tế và tái cơ cấu kinh tế sẽ tạo động lực phát triển mới ?

Trung tâm tài chính quốc tế và tái cơ cấu kinh tế sẽ tạo động lực phát triển mới ?

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa diễn ra tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội dành nhiều câu hỏi chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình về kế hoạch thành lập trung tâm tài chính quốc tế và chiến lược tái cơ cấu kinh tế. Phó Thủ tướng đã trình bày lộ trình cụ thể để đưa Việt Nam cạnh tranh toàn cầu, khẳng định các ngành kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng bền vững, đáp ứng kỳ vọng của cử tri.
Sắp xếp lại NHNN chi nhánh để phù hợp với chính quyền địa phương mới

Sắp xếp lại NHNN chi nhánh để phù hợp với chính quyền địa phương mới

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, NHNN đã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại 63 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, thành phố thành 15 NHNN chi nhánh Khu vực để đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Các NHNN khu vực đã đi vào hoạt động kể từ ngày 1/3/2025.
Ổn định vĩ mô - nền tảng chinh phục mục tiêu tăng trưởng 8%

Ổn định vĩ mô - nền tảng chinh phục mục tiêu tăng trưởng 8%

Sáng 20/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã sôi nổi chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong bối cảnh địa chính trị bất ổn và áp lực từ bảo hộ thương mại quốc tế. Những chiến lược cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp và đặt nền móng cho tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030 đã được làm rõ, hứa hẹn một hành trình đầy thách thức nhưng nhiều triển vọng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Mục tiêu tăng trưởng 8% là thách thức lớn

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Mục tiêu tăng trưởng 8% là thách thức lớn

Tiếp tục Chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch nước: Báo chí phải luôn là người đồng hành tỉnh táo và tin cậy trong hành trình cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Chủ tịch nước: Báo chí phải luôn là người đồng hành tỉnh táo và tin cậy trong hành trình cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 -21/6/2025), sáng 20/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã có buổi gặp mặt tuyên dương người làm báo tiêu biểu toàn quốc.
Thu hút FDI chất lượng cao: Cần chiến lược phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới

Thu hút FDI chất lượng cao: Cần chiến lược phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Tại phiên chất vấn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội và đại diện Chính phủ đã nhấn mạnh đến các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và phát triển hạ tầng khu công nghiệp thế hệ mới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp tư nhân để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp năm 2030

Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp tư nhân để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp năm 2030

Trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2030 trở thành thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Tại phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày các giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa khát vọng này, nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân như một động lực quan trọng.