“Tắc” tiền sử dụng đất: Áp lực cho doanh nghiệp, thiệt hại cho người dân
Sửa đổi quy định ghi nợ tiền sử dụng đất | |
Tháo gỡ bất cập về ghi nợ tiền sử dụng đất |
Ảnh minh họa |
Theo ông Châu, đây là vấn đề bức xúc của người dân lẫn DN bất động sản (BĐS) thời gian qua. Hệ quả của những “ách tắc” trong tiền sử dụng đất là người dân không được cấp sổ hồng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà, và cũng là của DN. Bởi chỉ khi có sổ hồng DN BĐS mới thu được 5% tiền sử dụng đất còn lại sau khi bàn giao nhà ở, nếu chậm ngày nào DN khó khăn ngày đó, trong khi áp lực dòng vốn với DN rất lớn. Việc chậm bàn giao sổ hồng cho khách hàng còn dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện, khiếu nại gay gắt ở các dự án, ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, 8 tháng đầu năm 2020, số tiền sử dụng đất mà TP.HCM thu được chỉ có 4.453 tỷ đồng, giảm 52% cùng kỳ năm 2019. Con số này cũng phản ánh phần nào việc “tắc” tiền sử dụng đất đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu nhà nước, hụt thu ngân sách, Nhưng quan trọng khi người dân không được cấp sổ hồng, sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Điển hình, có không ít trường hợp người mua nhà hợp pháp nhưng phải đến 5 - 10 năm, thậm chí lên tới 20 năm mới được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.
Thực tế, trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn TP.HCM không ít chủ đầu tư các dự án đã rất nỗ lực để xin được đóng tiền sử dụng đất nhưng chưa được vì nhiều lý do liên quan khác nhau. Cụ thể như trường hợp của Tập đoàn Novaland, có đến 11 dự án bị tắc tiền sử dụng đất, trong đó có 2 dự án đã tạm nộp tiền sử dụng đất, DN xin xác nhận số tiền sử dụng đất chính thức là bao nhiêu, thiếu thì nộp thêm để DN được cấp sổ hồng nhưng không được giải quyết.
Ông Bùi Xuân Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, DN hiện đang thực hiện hơn 40 dự án nhà ở tại TP.HCM. Trong quá trình phát triển, tập đoàn gặp nhiều vướng mắc về chính sách pháp luật liên quan quản lý đất đai, trong đó có thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho khách hàng. Việc này gây tâm lý hoang mang cho cư dân, ảnh hưởng uy tín DN cũng như môi trường đầu tư bất động sản tại thành phố. Trước những khó khăn này, Novaland vẫn không ngừng theo đuổi, nỗ lực phối hợp sở ban ngành, hoàn thành các thủ tục pháp lý theo yêu cầu. Có nhiều dự án, đơn vị này đã thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng vẫn chưa được giải quyết. Những dự án này đã bàn giao cho cư dân sinh sống 2 - 3 năm nhưng người dân vẫn chưa được cấp "sổ hồng". Đơn cử, một số dự án như 148 Nguyễn Văn Trỗi, số 8 Hoàng Minh Giám...
Novaland đã hoàn thành công tác định giá, đóng đủ 100% tiền sử dụng đất và nộp hồ sơ xin cấp "sổ hồng" cho người dân, đến nay, hồ sơ vẫn nằm chờ tại Sở Tài nguyên - Môi trường...
Ngoài ra, không ít chủ đầu tư khác cũng đang vướng vào tình trạng tương tự, dẫn tới ách tắc trong việc cấp sổ hồng cho người mua nhà. Trong đó, Tập đoàn Hưng Thịnh có 11 dự án với 7.944 căn hộ; Quốc Cường Gia Lai 7 dự án với 3.414 căn, SaigonRes 3 dự án với 3.377 căn, địa ốc Him Lam 1 dự án với 1.092 căn, Citi Group 2 dự án với 700 căn hộ, Hưng Lộc Phát 1 dự án với 476 căn, SonkimLand 1 dự án với 423 căn, An Gia 1 dự án với 392 căn…
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Sơn Kim Land, thời gian qua cư dân chung cư Gateway Thảo Điền (Q.2, TP.HCM) kêu trời vì chậm được cấp sổ hồng mặc dù công ty đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất. Từ năm 2018 đến nay, Công ty Sơn Kim Land đã có hàng loạt văn bản gửi Sở Tài nguyên Môi trường đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khối nhà C và cấp giấy chứng nhận cho khách hàng mua căn hộ (thuộc khối nhà A và B).
Ngoài ra, Sơn Kim Land cũng đã gửi đơn kiến nghị UBND TP.HCM nêu những khó khăn của DN trong việc chậm trễ cấp giấy chứng nhận cho khách hàng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Điều đáng nói, Công ty Sơn Kim Land đã bàn giao 100% căn hộ tòa nhà A và B thuộc dự án Gateway cho khách hàng từ tháng 4/2018 và tất cả khách hàng mua nhà đều đã thực hiện đúng các nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán căn hộ, đã thanh toán đến 95% giá trị hợp đồng. Nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ, dẫn đến bức xúc của hàng trăm khách hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của DN.
Bàn về vấn đề này, ông Châu đưa ra nhận định, sơ bộ TP.HCM hiện có khoảng 25.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng, đó là chưa kể đến 2.693 officetel cũng thuộc sở hữu của hộ gia đình nhưng chưa thể “xác định chủ quyền”. Như vậy có thể thấy bức xúc người dân là rất lớn và các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết vấn đề này, không chỉ để gỡ khó cho DN mà còn tạo ra niềm tin cho người mua nhà đối với thị trường BĐS.