Tăng chế biến sâu cho cà phê Việt
Những vụ cà phê chưa hết… đắng | |
Cà phê xuất khẩu giảm cả lượng và chất | |
Tái canh cà phê, còn đó những nỗi lo | |
Cà phê Việt, bao giờ hết xuất thô? |
Ảnh minh họa |
Trên thực tế, trong thời gian qua, nhờ ưu đãi về thuế quan đối với cà phê chế biến từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nên ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu quan tâm, chú trọng đầu tư vào các hoạt động chế biến sâu nhằm góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nói riêng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nói chung.
Theo đó, lĩnh vực chế biến đối với cà phê Việt Nam đã có sự chuyển biến đáng kể trong giai đoạn vừa qua. Đến nay, cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn.
Cụ thể, 97 cơ sở chế biến cà phê nhân có tổng công suất thiết kế 1.503 triệu tấn, tổng công suất thực tế đạt 83,6%; 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay có tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm; 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan có tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm, tổng công suất thực tế đạt 97,9%; 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn có tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm, tổng công suất thực tế đạt 81,6%.
Đại diện Bộ Công Thương cho hay, cà phê bột của Trung Nguyên, cà phê hòa tan của Vinacafe, Trung Nguyên không những chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà còn được hoan nghênh ở nhiều thị trường trong khu vực, đồng thời đã bước đầu xây dựng được thương hiệu cà phê Việt.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành trong công tác nâng cao năng lực chế biến, mở rộng thị trường, tổ chức lại xuất khẩu… cùng sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong công tác quảng bá, marketing, định vị thương hiệu sẽ giúp các sản phẩm cà phê của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê của Việt Nam, chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu; tiếp theo là Đông Nam Á, chiếm 13% tổng lượng xuất khẩu…, theo Bộ Công Thương. |
Song, lợi thế trên thị trường thế giới phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu và tiềm lực tài chính mạnh.
Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả, xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, áp dụng tiến bộ công nghệ cao, thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời khuyến khích,tăng cường liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh cà phê với mục đích ổn định xuất khẩu, giữ vững và mở rộng thị trường.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam cần chú trọng tuyển dụng và đào tạo cán bộ có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn; chủ động tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại. Xây dựng kênh nghiên cứu và dữ liệu riêng về thị trường xuất khẩu thông qua sự hỗ trợ của cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại các nước để cập nhật thông tin và những thay đổi diễn biến thương mại nhằm kịp thời điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tín hiệu của thị trường.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đã, đang và luôn quan tâm, chú trọng thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ, phát triển thị trường đối với mặt hàng cà phê như đàm phán mở cửa thị trường, kết nối thúc đẩy tiêu thụ, xúc tiến thương mại và thông tin thị trường, phổ biến, tuyên truyền...
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường đổi mới công tác quản lý xúc tiến thương mại theo hướng đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực thực hiện xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, tạo cơ chế để huy động kinh phí hoạt động xúc tiến thương mại từ các nguồn lực của xã hội, định hướng xúc tiến thương mại đối với ngành hàng cà phê mang tính chiến lược trung - dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường sự phối hợp giữa cấp bộ và các địa phương, các tổ chức xúc tiến thương mại phi chính phủ và các doanh nghiệp để đạt được hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã và đang thường xuyên chú trọng tới các hoạt động xúc tiến thương mại tại một số thị trường trọng điểm nhiều tiềm năng tăng trưởng như Trung Quốc, Liên bang Nga, ASEAN, EU, Mỹ, Bắc Phi, Nam Phi, Trung Đông... để nâng dần sản lượng cà phê chế biến xuất khẩu,từng bước tạo dựng nền tảng vững chắc cho các thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam trên thị trường thế giới.