Tăng cường “gác cửa” thị trường Tết
Kiểm soát để ổn định thị trường
Khoảng hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bên cạnh việc chủ động nguồn cung hàng hóa, các ngành chức năng ở TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác ở miền Trung đã và đang đẩy mạnh triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ổn định thị trường trong dịp tết.
Cụ thể, TP. Đà Nẵng vừa mở đợt cao điểm chống buôn lậu, hàng giả trong dịp tết. Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Trong đó, yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, dự báo tình hình nhằm giữ bình ổn thị trường. Đồng thời, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm, từ đó có biện pháp xử lý răn đe.
Tăng cường kiểm soát góp phần ổn định thị trường trong dịp tết |
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng, triển khai công tác an toàn lương thực, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội Xuân 2021, Đà Nẵng còn thành lập 3 đoàn kiểm tra tiến hành thanh tra 190 cơ sở thực phẩm trên địa bàn. Tại những cơ sở này, các đoàn thanh tra liên ngành sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp tết như, thực phẩm tươi sống, các cơ sở sản xuất bánh, kẹo mứt, rượu bia, cũng như dịch vụ ăn uống... Cũng theo ông Hải, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân năm 2021. Với mục tiêu cụ thể là hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố trước, trong và sau dịp tết.
Cũng nhằm tăng cường “gác cửa” thị trường tết, Sở Công thương TP. Đà Nẵng cũng đang nỗ lực phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, tập trung kiểm tra tại các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh... Qua đó, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt, để bảo đảm kiểm soát tốt nguồn cung cũng như vấn đề an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thịt heo, Chi cục Thú y thành phố đã thành lập tổ giám sát 24/24 giờ. Tổ này sẽ tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Riêng 10 ngày trước tết sẽ tăng cường lực lượng giám sát từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; đồng thời phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố tích cực kiểm tra, lấy mẫu nhằm xác định rõ nguồn gốc xuất xứ…
Hàng Việt chiếm ưu thế
Đến thời điểm này, khảo sát trên địa bàn thành phố, không khí mua sắm tết tại các chợ lớn, siêu thị đã bắt đầu sôi động. Các mặt hàng đặc trưng phục vụ cho mùa tết như, bánh kẹo, mứt, hạt dưa, hạt hướng dương, áo quần thời trang, đồ gia dụng… đã được các đơn vị, tiểu thương nhập về với số lượng lớn. Theo đại diện Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, nguồn hàng tại các chợ lớn trên địa bàn như, chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa... bảo đảm phong phú về chủng loại, dồi dào về sản lượng. Chúng tôi cam kết không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Tiểu thương kinh doanh tại nhiều chợ cũng đều khẳng định, lượng hàng về chợ rất lớn và sẵn sàng có các phương án, kế hoạch để điều tiết khi cần.
Tương tự, tại các siêu thị ở địa phương một số lượng hàng hóa lớn phục vụ tết cũng đã sẵn sàng. Đơn cử, tại Big C Đà Nẵng, đơn vị đã sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu phục vụ mua sắm tết. Trong đó, sản lượng mặt hàng thực phẩm tươi sống dự kiến tăng 5% so với ngày thường. Riêng mặt hàng thịt heo, gia súc, gia cầm tăng 20% về số lượng và đơn vị cam kết bán với mức giá bình ổn, áp dụng từ ngày 8/1 đến 28/2/2021. Đặc biệt, trước những khó khăn do dịch bệnh kéo dài, Big C còn triển khai chương trình “Giá luôn luôn thấp” đối với gần 8.000 sản phẩm… Theo Sở Công thương TP. Đà Nẵng, đến thời điểm này, các cơ quan, doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ bảo đảm phục vụ Tết Tân Sửu với tổng trị giá hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, có sức tiêu thụ lớn trong dịp tết như, gạo nếp; thịt heo; rau củ quả; bánh kẹo mứt… Ngoài việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa dồi dào, các đơn vị sẽ tổ chức nhiều chương trình, đợt khuyến mãi sâu với nhiều mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong dịp tết...
Dạo một vòng quanh các chợ truyền thống cũng như một số siêu thị trên địa bàn Đà Nẵng, có thể thấy trên thị trường trong dịp tết năm nay các sản phẩm hàng Việt vẫn chiếm ưu thế. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm như, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, bánh kẹo, thực phẩm... Đặc biệt, các sản phẩm hàng hóa bánh kẹo sản xuất trong nước thực sự chiếm lĩnh thị trường tết năm nay, dần thay thế cho các sản phẩm nhập ngoại. Trước đó, cũng trên địa bàn Đà Nẵng mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19, song trong năm 2020, các phiên chợ hàng Việt và nông sản vẫn được tổ chức nhiều trên địa bàn thành phố, góp phần bình ổn thị trường, giúp doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn và đưa hàng Việt đến với mọi người tiêu dùng. Trong đó, có thể kể đến như, Hội chợ nông sản Hòa Vang, Hội chợ Hành lang Kinh tế Đông Tây, Hội chợ hàng Việt và sắp tới là Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2021. Trong các hội chợ, hàng Việt đều chiếm tỷ lệ áp đảo.
Trên thực tế, thời gian gần đây nhờ không ngừng nâng cao chất lượng, giá cả phù hợp, trên thị trường không chỉ trong dịp tết, hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp trong nước cũng đã chú trọng hơn đến nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để sản xuất các sản phẩm phù hợp, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.