Tạo nền tảng cho DN sống khoẻ, sống lâu
Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp tư nhân làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh | |
Khi doanh nghiệp tư nhân chậm lớn |
Ảnh minh họa |
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 7 ước tính đạt 29,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương 3,8 nghìn tỷ đồng, giảm 27,6%; vốn địa phương 26,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9%. Tính chung 7 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 158,3 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 44,9% kế hoạch năm và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 43,3% và tăng 9,7%).
Trong khi 7 tháng đầu năm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư từ khu vực tư nhân cũng vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực khi mà làn sóng khởi nghiệp tiếp tục là kênh huy động vốn và nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Trong 7 tháng đầu năm 2019 có gần 79,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 999,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% về số DN và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Nếu tính cả 1.476,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2019 là 2.476,3 nghìn tỷ đồng.
Rõ ràng, kết quả này tiếp tục cho thấy một điểm nhấn ấn tượng của bức tranh kinh tế, đó là khi đầu tư nhà nước giảm tốc, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đủ sức để kéo cả nền kinh tế đi lên. Đây là “quả ngọt” của nhữngchính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, những thành quả này cũng cho thấy sự “rút lui” dần của nhà nước trong nền kinh tế là chủ trương đúng đắn và đang được thực hiện nhất quán.
Tuy nhiên, những con số đáng khích lệ trên vẫn chưa đủ để khiến các cơ quan của Chính phủ yên tâm. Trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn trước mắt cũng như tầm nhìn dài hạn, có thể thấy đánh giá xuyên suốt là nền tảng của khu vực tư nhân trong nước còn rất yếu, vì vậy tăng trưởng mấy năm vừa qua có được chủ yếu là nhờ công của khối FDI.
Thực tế này tiếp tục đặt ra vấn đề là bên cạnh những mặt tích cực đạt được, môi trường kinh doanh của nước ta vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục, từ đó tạo động lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển bền vững hơn trong tương lai. Hàng loạt vấn đề cụ thể đã được cả cơ quan quản lý trong nước, cũng như các tổ chức nước ngoài chỉ rõ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là thủ tục hải quan và quản lý, kiểm tra chuyên ngành tuy đã có những bước cải thiện nhưng còn chậm, làm cho thứ bậc về năng lực cạnh tranh của Việt Nam bị giảm. Nguyên nhân khác, là chỉ số Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản trong nhiều năm không có bất kỳ cải cách gì và thứ hạng liên tiếp giảm bậc qua các năm. Trong 5 năm vừa qua, chỉ số này của nước ta giảm 27 bậc, từ vị trí 33 xuống vị trí 60. Chỉ đến năm 2018, chỉ số này được ghi nhận tăng bậc.
Kết quả xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018 cũng cho thấy, chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam giảm 3 bậc; trong đó 7/12 trụ cột giảm điểm. Kết quả này cho thấy các động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo để theo kịp xu thế 4.0 của Việt Nam còn yếu và chưa hiệu quả.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhấn mạnh vai trò của khu vực DN tư nhân đối với tăng trưởng dài hạn. Theo đó, năng suất lao động của các DN sẽ quyết định năng suất tổng thể của nền kinh tế. Tuy nhiên nhìn trong dài hạn, sự phát triển năng suất lao động của Việt Nam 20 năm qua thấp hơn xu hướng thế giới và cũng chưa được khai phá đầy đủ.
Nghiên cứu của WB cho thấy, sự chênh lệch về năng suất lao động giữa các DN Việt Nam lên đến hơn 100 lần, đòi hỏi phải thúc đẩy chuyển giao tri thức, học hỏi lẫn nhau để phân bổ lại nguồn lực từ khu vực năng suất thấp sang khu vực năng suất cao hơn. Cơ quan này chỉ rõ, để làm được điều đó, cần tạo ra môi trường pháp lý để các DN có năng suất thấp tháo lui, DN nâng suất cao gia nhập thị trường…
Rõ ràng tất cả những vấn đề đó cần được nhanh chóng giải quyết để tạo dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện cho DN tư nhân không chỉ dễ dàng gia nhập mà còn phải sống khoẻ và sống lâu.