Tập trung phát triển nhà ở xã hội cho người dân
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 41/62 địa phương gửi báo cáo, đề xuất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ với tổng số 240 dự án.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản giao các nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch 5 khu nhà ở xã hội tập trung với tổng quy mô khoảng 272 ha đất. Đến nay đã có 2 khu được phê duyệt quy hoạch chi tiết và 3 khu còn lại đang nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và nhiệm vụ quy hoạch chi tiết.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng thành phố và Công ty Dragon Village đã động thổ dự án nhà ở xã hội Dragon E.Home với hơn 764 căn hộ, diện tích từ 28-85 m2, sau hơn hai năm không có dự án nhà ở xã hội nào được khởi công tại địa phương. Ngoài ra, thành phố cũng sắp bàn giao dự án căn hộ thuộc sở hữu nhà nước phục vụ tái định cư cho người dân ở quận 1 với 388 căn hộ có quy mô 1.012,2 m2, với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 31.000 m2.
Với trách nhiệm xã hội của mình, nhiều doanh nghiệp đã đặt mục tiêu và sẽ thực hiện cam kết phát triển lượng lớn nhà ở xã hội trong thời gian tới. Ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland cho biết, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Hiện, Novaland đã có một số quỹ đất tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng… phù hợp đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội và sẽ bảo đảm mục tiêu đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ để góp phần vào nỗ lực của Chính phủ trong chương trình giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động.
Tương tự, một số doanh nghiệp chuyên đầu tư vào phân khúc bất động sản hạng sang cũng chuyển hướng đầu tư vào nhà ở xã hội. Bà Phan Thị Ánh Tuyết, Tổng giám đốc Masterise Group cho biết, nhà ở xã hội sẽ là một trong những dòng sản phẩm được doanh nghiệp đặt mục tiêu trong thời gian tới. Đơn vị sẽ triển khai phát triển khoảng 25.000 căn nhà ở xã hội trong thời gian 3-5 năm tới và phối hợp với các đối tác để tạo ra các giải pháp tài chính phù hợp nhằm đảm bảo khách hàng thuộc đối tượng có thể sở hữu nhà ở xã hội của mình.
Việc chuyển hướng và phát triển nhà ở xã hội sẽ mang đến cơ hội sở hữu nhà cho những người dân thu nhập thấp, vừa phát triển cho doanh nghiệp, vừa phát triển cho xã hội và cho đất nước. Vì thế, nhà ở xã hội của doanh nghiệp sẽ đáp ứng được tất cả nhu cầu của khách hàng một cách phù hợp nhất.
Sẽ có nhiều sản phẩm đến tay khách hàng vào cuối năm 2022. |
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội cho người dân, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cũng được cắt giảm tối đa. Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trình tự thủ tục gồm 5 bước, tổng thời gian thực hiện tối đa 153 ngày làm việc.
Với trường hợp dự án nhà ở xã hội xây dựng trên đất do nhà nước trực tiếp quản lý (đất công), được đầu tư không phải bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công gồm 7 bước, thời gian thực hiện tối đa 318 ngày… UBND thành phố cũng quy định rõ tại mỗi bước sẽ do cơ quan chức năng nào thực hiện và trong thời gian cụ thể phải giải quyết đảm bảo đúng thời gian quy định.
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh quá trình phát triển nhà ở xã hội của doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ vốn cũng nhanh chóng triển khai. Trong giai đoạn 2022 - 2023 Quốc hội đã phê chuẩn gói tài chính 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19, trong đó có cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua để giải quyết những khó khăn về nguồn vốn cho chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập tổ công tác, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Đồng hành cùng chính sách hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở xã hội, ngành Ngân hàng cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Đại diện Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết, trong nhiều năm qua, ngân hàng đã tài trợ thành công một số dự án như nhà ở xã hội Ecohome Nhơn Bình (tỉnh Bình Định), khu nhà ở xã hội Sao Hồng (tỉnh Bắc Ninh), khu chung cư căn hộ cao tầng trong Dự án Natural Poem (TP. Hồ Chí Minh). Các dự án có thời hạn cho vay linh hoạt với tổng hạn mức được cấp là 1.100 tỷ đồng. Đối với người mua nhà ở xã hội, ngân hàng cũng áp dụng gói vay lên tới 75% giá trị theo tiến độ trong hợp đồng mua bán, thời hạn vay ở mức dài nhất 35 năm, ân hạn vốn gốc tối đa 36 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.
Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp xây dựng cho biết, quá trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thủ tục đầu tư dự án còn phức tạp. Để được chấp thuận đầu tư xây dựng, doanh nghiệp phải thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức; các dự án nhà ở xã hội thường vướng thủ tục trong xác định giá bán, khiến doanh nghiệp khó quyết toán hoặc cấp sổ hồng cho người mua… Ngoài ra, quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% số căn hộ của dự án để cho thuê, sau 5 năm mới được bán khiến doanh nghiệp chậm thu hồi vốn. Những khó khăn này đã cản trở một phần quyết định đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp.
Để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, một chuyên gia cho rằng, trước mắt cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối nhà ở xã hội. Theo đó, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn, có thể rút ngắn thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội xuống còn 90-120 ngày, giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng, thực hiện quá trình đầu tư nhanh, rút ngắn thời gian để nhanh chóng thu hồi vốn, đạt mức lợi nhuận cao.