Tây Ninh thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh
Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch nông thôn Hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững |
Trong xu thế này, tỉnh Tây Ninh đã phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng rộng rãi, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng của thị trường. Tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất ngày càng cao, tập trung vào các cây trồng như lúa, mía, mì...
Từ năm 2019 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Tây Ninh) thực hiện cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc cho 247 cơ sở sản xuất với tổng diện tích là 1.728,01 ha; đồng thời hỗ trợ in 130.500 tem truy xuất nguồn gốc cho 5 loại sản phẩm như: xoài, bưởi da xanh, dưa lưới, mãng cầu ta (na), mãng cầu Thái (na Hoàng hậu). Tây Ninh đã hỗ trợ trên 120 cơ sở có chứng nhận GAP với tổng diện tích trên 9.000 ha. Quy trình sản xuất hữu cơ cũng từng bước hình thành với 54 ha mì, 4 ha bí đậu được chứng nhận.
Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng chuyển dịch mạnh theo hướng từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học. Trên địa bàn, hiện có 627 trại chăn nuôi gia súc (125 trang trại chăn nuôi heo; 51 trang trại chăn nuôi trâu; 451 trang trại bò) với tổng đàn 204.475 con, tăng 46% so với năm 2017 và 107 trang trại chăn nuôi gia cầm (76 trang trại gà và 31 trang trại vịt) với tổng đàn 6,4 triệu con, tăng 40,8% so với năm 2017. Tỉnh Tây Ninh có 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP; huyện Dương Minh Châu và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm...
Tây Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, có khoảng 130-140 sản phẩm OCOP của tỉnh được công nhận 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 25 sản phẩm 5 sao; 70 chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 85% chủ thể xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, sản phẩm xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Điển hình trong những doanh nghiệp đi đầu phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Tây Ninh là Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan (xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu), với mô hình sử dụng nguyên liệu được bón bằng phân trùn quế đã qua xử lý. Theo đó, 70 ha nguyên liệu của doanh nghiệp được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ. Thậm chí, đơn vị này nuôi 300 con bò để lấy phân làm thức ăn cho trùn quế, rồi lấy phân trùn quế xử lý bón cho vườn nguyên liệu. Với việc xử lý phế phẩm nông nghiệp, các phụ phẩm được tận dụng đã góp phần giảm 50% chi phí thức ăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ chú trọng kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra, từ nguồn nguyên liệu tự trồng theo quy trình VietGAP, đến nhà xưởng sản xuất theo tiêu chuẩn GMP và ISO 22000:2018, sản phẩm trà Tâm Lan nhiều năm liền đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn và là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của Tây Ninh và hiện đang mở rộng xuất khẩu.
Nông dân Tây Ninh khấm khá cùng nông nghiệp sạch |
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang từng bước được đầu tư tại Tây Ninh. Trong đó, khoảng 35 ha rau được sản xuất trong nhà màng, nhà kính; một số trang trại còn áp dụng công nghệ để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm. Các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh tiếp tục thực hiện định hướng "khoa học - công nghệ phải đi trước một bước", nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. "Khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều cơ sở đơn vị đã có lợi nhuận thu được khoảng 500 triệu đồng/ha/năm đối với rau ăn quả và 300 triệu đồng với rau ăn lá, mang lại thu nhập gấp 2-5 lần so với hình thức sản xuất truyền thống" ông Xuân nhận định.
Theo ông Xuân, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, đã và đang trở thành động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng; từng bước giúp ngành nông nghiệp địa phương nâng cao giá trị gia tăng, phát triển theo hướng hiện đại, thông minh và bền vững. Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường và thâm dụng tài nguyên nông nghiệp, việc nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tái tạo là vô cùng cần thiết.