Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đừng để lỡ nhịp
Ngành công nghiệp hỗ trợ: Tìm kiếm cơ hội sau dịch Covid | |
Nghiên cứu, hỗ trợ phát triển lĩnh vực linh kiện, phụ tùng ô tô | |
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ: Nỗ lực của doanh nghiệp là rất quan trọng |
Chủ động thích ứng
Ông Nguyễn Duy Đức, Trưởng Phòng kinh doanh Công ty CP sản xuất phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nhật (Indema) cho biết, doanh nghiệp thành lập từ năm 2014, hiện nay đầu ra sản phẩm như vỏ tủ bảng điện, hệ thống thanh đỡ trên tàu thủy của công ty đã cung cấp ra thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam…. Khởi đầu với 14 con người, vài chiếc máy đơn giản trong nhà xưởng rộng vỏn vẹn 600m2, đến nay, Indema đã có 180 lao động, mở rộng xưởng tới 34 nghìn m2. Từ doanh thu 6,1 tỷ trong năm đầu tiên đã tăng lên 73 tỷ đồng/năm 2019 và dự kiến năm nay doanh thu sẽ đạt 83 tỷ USD.
Dù đã có sự trưởng thành nhất định, nhưng theo ông Nguyễn Duy Đức, làm việc với các đối tác khách hàng FDI là việc không dễ đối với không ít DN Việt. Đó là vấn đề ngôn ngữ, trình độ kỹ thuật. Những việc này, bản thân DN phải nỗ lực giải quyết.
Các DN ngành CNHT vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển |
Trong Báo cáo mới đây gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công thương dẫn số liệu, hiện tại trên toàn quốc trong số khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng hơn 300 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Báo cáo cũng chỉ rõ, mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của DN đã từng bước được cải thiện, nhưng các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Đến nay, các DN nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT, vì thế, Việt Nam vẫn nhập siêu linh kiện, phụ tùng với giá trị rất lớn. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng là 36,64 tỷ USD, tăng hơn 11,4% so với 2018.
Điều này dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp còn thấp. Ví dụ, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%, trong đó Thaco đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho biết, tại Việt Nam, mối liên kết giữa các DN tư nhân trong nước và các DN FDI cũng rất lỏng lẻo. Đơn cử, trong ngành công nghiệp ô tô, hiện có 2 DN lắp ráp lớn đang hoạt động, nhưng Việt Nam chỉ có 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2 và 3. Nhìn sang Thái Lan, quốc gia này có 16 DN lắp ráp ô tô lớn, họ có tới 690 nhà cung cấp cấp 1, 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3.
Tại Diễn đàn “Nâng cao sức cạnh tranh hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các FTA thế hệ mới” diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá, hiện trạng trên là do năng lực còn hạn chế, chủ yếu là DN quy mô nhỏ và vừa, gặp khó khăn trong huy động nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và chất lượng nguồn nhân lực. Không ít DN chưa có chiến lược phát triển dài hạn, còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư phát triển nên chưa tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của DN đầu chuỗi và DN nước ngoài.
Cần sự nỗ lực từ chính DN
Có thể khẳng định, CNHT góp phần quyết định đến hiệu quả, chất lượng và giá thành của sản phẩm công nghiệp. Việc phát triển các ngành CNHT một cách hợp lý, cân đối trong bối cảnh toàn cầu hóa sẽ tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, hình thành mạng lưới sản xuất với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, các DN FDI, các DN sản xuất, lắp ráp tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước.
Bà Ann Måwe - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam có vị thế đặc biệt để củng cố khả năng trở thành một lựa chọn sản xuất thay thế hàng đầu. Tuy nhiên, một thách thức lớn đặt ra là phải tìm cách gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu thay vì chỉ tăng giá trị thương mại một cách đơn thuần. Do đó, điều cốt yếu đối với Việt Nam là phải phát triển một ngành CNHT bền vững, bằng cách tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, cũng như nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất và tự động hóa. Việt Nam cũng cần bắt kịp các xu hướng và công nghệ mới nhất trong sản xuất.
Thực tế đã cho thấy những tiềm năng và cơ hội của lĩnh vực CNHT trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe cũng như số lượng sản phẩm là bài toán không dễ đối với các DN. Do đó, ngoài sự nỗ lực bản thân, các DN Việt cần phải được tiếp cận với các thông tin đầy đủ, từ đó có kế hoạch xây dựng kế hoạch phát triển đáp ứng tối đa nhất về kỹ thuật cũng như tiến độ yêu cầu từ phía DN FDI. Bên cạnh đó, là các chương trình kết nối thông tin từ các hiệp hội, các chính sách từ các bộ, ngành liên quan đến công tác đào tạo nghề.
Ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Hà Nội cho hay, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hậu Covid-19 sẽ đem lại nhiều cơ hội cho DN ngành CNHT của Việt Nam. Do đi sau các nước khác, để nắm bắt cơ hội, các DN Việt phải thay đổi tư duy mạnh mẽ, chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực tài chính, con người, kỹ năng.