Thận trọng với room tín dụng
Nới room ngoại: Cân nhắc tính hiệu quả và an toàn | |
Nới room tín dụng trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi | |
Vì sao chưa gỡ “barie” tín dụng |
Kinh tế hồi phục, người dân, doanh nghiệp đã làm quen với “bình thường mới” nên cầu tín dụng tăng trở lại. Dư nợ tín dụng đã tăng khoảng 2,74% trong tháng 1/2022, tháng 2/2022 tăng 1,82% so với cuối 2021. Cả nền kinh tế đã, đang rốt ráo triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, ngân hàng hay doanh nghiệp đều không muốn “tụt lại phía sau”. Kết thúc quý I/2022 tăng trưởng tín dụng (TTTD) của một số ngân hàng đã trên 5%. Thông thường hết quý II hàng năm NHNN sẽ có đợt xem xét khả năng điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD, nhưng năm nay vấn đề này được đề cập sớm hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện môi trường kinh doanh chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19 và cả biến động địa chính trị toàn cầu, cơ quan quản lý sẽ thận trọng hơn rất nhiều.
Chủ trương chung của NHNN những năm gần đây là điều hành linh hoạt các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, TTTD phù hợp với cân đối vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Ảnh minh họa |
Năm 2022, bám sát các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát bình quân được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
Lãnh đạo vụ chức năng NHNN cho biết, trong quá trình điều hành, NHNN xem xét điều chỉnh chỉ tiêu của một số TCTD nhằm đảm bảo hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân, qua đó góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý. Như mọi năm, NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng hiệu quả; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, cho vay ngoại tệ…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông.
Những mục tiêu trên cũng là một trong những tiêu chí khi NHNN xem xét cấp, điều chỉnh chỉ tiêu TTTD cho TCTD. Đặc biệt, để phục vụ công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, an ninh tiền tệ trong hoạt động ngân hàng, định kỳ hàng năm, NHNN tiến hành đánh giá, xếp hạng các TCTD dựa trên 6 tiêu chí theo mô hình CAMELS. Mô hình CAMELS được NHNN đánh giá qua các tỷ lệ: Vốn (trọng số 20%); Chất lượng tài sản (trọng số 30%); Quản trị điều hành (trọng số 10%); Kết quả hoạt động kinh doanh (trọng số 20%); Khả năng thanh khoản (trọng số 15%); Mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường (trọng số 5%). Mô hình xếp hạng CAMELS dựa trên kết quả thanh tra tại chỗ kết hợp với phân tích các tỷ lệ trên báo cáo tài chính nhằm đánh giá và phân loại tình hình tổng thể về sức khỏe của một ngân hàng. Trên cơ sở kết quả xếp hạng, NHNN có các biện pháp quản lý phù hợp với tình hình hoạt động và sự lành mạnh của từng TCTD và tất nhiên việc xét cấp hạn mức TTTD không thể bỏ qua kết quả đánh giá của mô hình CAMELS đối với từng TCTD.
Năm nay Quốc hội thông qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP là khoảng 6-6,5%; kiểm soát lạm phát ở mức 4%. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành khắp thế giới khiến chuỗi cung ứng chưa kịp nối lại, giờ thêm tác động từ xung đột Nga - Ukraine khiến áp lực lạm phát tăng cao ngày càng hiện hữu. Cùng với đó, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện đã trên 140%, trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế. Nếu để tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng thì sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô. Từ những yếu tố trên có thể thấy năm nay NHNN sẽ thận trọng hơn rất nhiều trong việc xem xét điều chỉnh chỉ tiêu TTTD cho các TCTD.