Vì sao chưa gỡ “barie” tín dụng
Tín dụng ngoại tệ tăng và hiệu quả chính sách | |
Tín dụng chảy mạnh vào khu công nghiệp | |
Hợp tác với các tổ chức tín dụng để chuyển đổi số |
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, tính đến 31/8 tín dụng tăng 7,42% so với cuối năm 2020. Theo đó tăng trưởng tín dụng tháng 8, tháng 9 bị ảnh hưởng mạnh do tác động của dịch bệnh và việc thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, NHNN dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và hai tháng cuối năm.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên môn, mức tăng trưởng tín dụng nêu trên vẫn rất tích cực so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt xét trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay phức tạp hơn, nhiều địa phương trong cả nước nhất hiện vẫn đang phải thực hiện giãn cách xã hội.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng được phân bổ dựa trên "sức khỏe" của từng TCTD |
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhiều NHTM đang tập trung cho vay ngắn hạn để lấp đầy hạn mức tín dụng đã được cấp trước đợt điều chỉnh hạn mức sắp tới. Hạn mức tín dụng hiện tại được cấp thấp hơn kỳ vọng của hầu hết các ngân hàng và VDSC kỳ vọng NHNN sẽ nới thêm room cho một số các NHTM gần cạn room.
Liên quan đến vấn đề room tín dụng, gần đây một đại biểu quốc hội kiến nghị, NHNN xem xét trong thời gian tới thay việc quản lý bằng biện pháp hành chính là cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng bằng việc quản lý hệ số an toàn vốn, vừa đảm bảo an toàn, vừa phù hợp với chuẩn Basel II và thông lệ quốc tế.
Đây không phải lần đầu tiên đề xuất này được đưa ra. Tuy nhiên, một chuyên gia làm việc lâu năm trong ngành Ngân hàng cho biết, về lâu dài NHNN sẽ quản lý theo hướng đó. Song trước mắt thì chưa thể bỏ vì sức khoẻ ngân hàng chưa đồng đều. Hiện mặc dù đã có nhiều ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn Basel II, thậm chí có ngân hàng áp dụng một số quy định của Basel III; nhưng cũng có ngân hàng chưa áp dụng được chuẩn Basel II.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, còn nguồn vốn trung – dài hạn sẽ do thị trường vốn đảm nhiệm. Tuy nhiên ở Việt Nam, do thị trường vốn, thị trường chứng khoán còn chưa phát triển, thể hiện đúng vai trò, vị thế của mình, nên việc cân đối vốn cho nền kinh tế, bao gồm cả vốn trung - dài hạn vẫn dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng. Điều đó tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng khi mà nguồn vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.
Cũng vì là kênh vốn chủ đạo cho nền kinh tế nên hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam lên tới trên 140%, thuộc nhóm nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất theo đánh giá của quốc tế. Điều đó tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và ổn định tài chính của quốc gia.
Vì vậy, với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, NHNN phải có công cụ để điều tiết, quản lý để đảm bảo vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo an toàn hệ thống. Do vậy, NHNN vẫn duy trì room tín dụng và phân bổ tăng trưởng tín dụng cao hơn cho ngân hàng tốt hơn và ngược lại.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, tinh thần gỡ barie tín dụng là đúng, nhưng thời điểm này chưa thể làm được. Vì muốn làm được thì sức khoẻ hệ thống ngân hàng Việt Nam phải lành mạnh đồng đều; tất cả các ngân hàng phải áp dụng tiêu chuẩn Basel II, III. “Có thể nói với tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP hiện nay, hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc, sức khoẻ ngân hàng chưa đồng đều, nhà điều hành vẫn phải sử dụng “cây gậy và củ cà rốt”, linh hoạt theo chuyển biến chung và thận trọng để không xảy ra rủi ro hệ thống”, ông chia sẻ.
Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng quá cao không chỉ gia tăng rủi ro đối với từng TCTD, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng, mà còn tiềm ẩn rủi ro bất ổn vĩ mô. Bài học sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, dẫn đến những hệ lụy phải xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các TCTD vừa qua vẫn còn nguyên giá trị.
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn hệ thống, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, thời gian qua NHNN kiên định kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng theo hướng đưa ra chỉ tiêu tín dụng định hướng đầu năm và phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực tài chính của từng TCTD.
Việc thông báo hạn mức tín dụng đầu năm và điều chỉnh khi cần thiết đối với các TCTD được thực hiện theo nguyên tắc, TCTD có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được NHNN xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, qua đó, thúc đẩy TCTD nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và các chỉ số an toàn hoạt động. Bên cạnh đó, NHNN cũng xem xét một số yếu tố như mặt bằng lãi suất huy động, cho vay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và việc thực hiện theo chuẩn mực Base II, đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và NHNN về tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Lãnh đạo NHNN cho biết, trong điều hành tín dụng hàng năm, NHNN xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho cả năm phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế của Quốc hội và Chính phủ; tuy nhiên có điều chỉnh phù hợp với nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, bảo đảm cung cấp đủ và kịp thời vốn cho phát triển kinh tế; nhưng cũng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế rủi ro nợ xấu phát sinh. “Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD. Đặc biệt, đảm bảo nguyên tắc tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng và duy trì các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động là một trong các giải pháp được NHNN đưa ra”, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.