Thanh khoản đảm bảo, tăng cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp
Nhiều giải pháp thiết thực cho khách hàng | |
Cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội | |
Rất cần giải pháp nhanh, đúng và hiệu quả |
NIM thu hẹp đáng kể
Trong hơn một tháng qua, để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và các DN nói riêng trước tác động từ dịch Covid-19, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí, thậm chí không chi cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay để dành nguồn lực kéo giảm được lãi suất cho vay.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, ngay từ đầu tháng 2/2020, các nhà băng đã dành một lượng tín dụng không nhỏ để cho vay mới với lãi suất ưu đãi hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Mức giảm lãi suất thông thường là 0,5-1,5%/năm cho các khoản vay mới, ở một số ngân hàng còn có mức cắt giảm sâu hơn ở mức trên 2%, nhiều ngân hàng cũng đưa ra các ưu đãi lãi suất cho các khoản vay hiện hữu.
Ngày 31/3, trong buổi họp với các NHTM, NHNN cũng đề nghị các NHTM xem xét phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay cho DN bị thiệt hại do dịch bệnh. Ngay sau đó, một loạt các ngân hàng đã chủ động đưa ra các gói hỗ trợ cho khách hàng, giảm sâu lãi vay, có ngân hàng giảm đến 4% - 5%.
NIM ngân hàng giảm ở hầu hết các ngân hàng |
Mặt bằng lãi suất huy động cũng đã được kéo giảm so với trước đây, song tốc độ không theo kịp với mức giảm của lãi suất cho vay. Vì thế tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các nhà băng bị thu hẹp đáng kể. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo NIM sẽ giảm ở hầu hết ngân hàng. Trong đó, NIM ở các NHTMNN như BIDV, VietinBank sẽ chịu tác động mạnh hơn so với các NHTMCP khác do tỷ lệ LDR cao làm hạn chế dư địa giảm chi phí huy động.
Trong một báo cáo mới đây, SSI Reseach cũng dự báo, trong quý 2 thu nhập lãi, thu nhập từ phí và thu hồi nợ xấu sẽ giảm xuống khi các ngân hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua cung cấp các gói lãi suất cho vay ưu đãi và cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán.
Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, vị này nhìn nhận, thật khó có khả năng để NIM của các ngân hàng không giảm. “Chúng ta đều thấy ở thời điểm hiện tại, ngân hàng cũng là một DN đang có những ảnh hưởng nhất định do cầu tín dụng giảm. Trong khi các ngân hàng cũng đang giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ DN. Bởi vậy NIM giảm cũng là điều tất yếu”.
Trong khi đó theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất đầu vào khó giảm sâu thêm nữa, bởi nếu giảm quá sâu có thể sẽ khiến khách hàng rút tiền, chuyển sang những tài sản khác như vàng hay kênh đầu tư khác. Đối với những món vay cũ, theo chuyên gia này, lãi suất cũng cần giảm thêm, nhưng sẽ khó hơn bởi nếu điều chỉnh nhà băng chắc chắn sẽ phải cân đối lại vì khoản cho vay này đã được huy động với lãi suất đầu vào cao trước đó, NIM cũng đã được cân đối dựa trên chi phí trước khi dịch xảy ra.
VDSC cũng không loại trừ khả năng NHNN sẽ tiếp tục đề ra các chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ TCTD giảm lãi suất cho vay sâu hơn nữa. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch nếu có phạm vi lớn, các gói hỗ trợ tín dụng nhiều khả năng không phải chỉ dành cho các DN chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch mà có thể còn mở rộng ra những DN chịu ảnh hưởng gián tiếp, hoặc toàn nền kinh tế. Như vậy, trong trường hợp đó, các ảnh hưởng của dịch lên NIM của các ngân hàng có thể sẽ mạnh hơn dự kiến.
Đảm bảo thanh khoản cho hệ thống
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng đề nghị ngân hàng tiếp tục tính toán việc giảm lãi suất cho vay, ngành Ngân hàng cần lưu ý kiến nghị của cộng đồng DN về tiếp tục miễn, giảm tiền lãi, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất với tinh thần ngân hàng đồng hành với DN vượt qua khó khăn hiện nay, và nhấn mạnh DN sống được ngân hàng mới sống được.
Ngành Ngân hàng với trách nhiệm của mình sẽ tiếp tục “chung lưng đấu cật” cùng với DN để vượt qua khó khăn. Song thực tế, vận hành của nền kinh tế đang trong đà chậm lại, quý I tăng trưởng thấp, chỉ 3,82%, và dự báo quý II sẽ còn “ngấm” hơn.
Đà tăng trưởng của cả nền kinh tế xuống thấp, người dân cũng không còn quá dư dả để gửi tiết kiệm, khi ngay ở thời điểm này, nhiều DN, cá nhân đang từng ngày phải lo về thanh khoản như tiền thuê mặt bằng, nhân công, thanh toán cho nhà cung cấp... Điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng.
Trong khi đó, việc gia hạn nợ và tiếp tục cho vay mới có thể khiến tín dụng tăng, song dòng tiền từ các món nợ cũ chưa quay lại với hệ thống ngân hàng. Điều đó cũng tạo thêm áp lực lên thanh khoản.
Trên thực tế, thời gian gần đây lãi suất liên ngân hàng đã có xu hướng tăng trở lại, kể từ cuối tháng 3 đến nay, NHNN đã bơm ròng khoảng 147 nghìn tỷ đồng vào thị trường thông qua thị trường mở - giai đoạn bơm ròng kéo dài và khá lớn. Điều đó cho thấy thanh khoản của hệ thống các TCTD đã không còn dồi dào như trước; nhưng cũng cho thấy phản ứng nhanh nhạy của NHNN khi cơ quan quản lý luôn theo sát diễn biến của thị trường để điều tiết nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống.
Còn nhớ trước đó, NHNN đã giảm mạnh một loạt các mức lãi suất điều hành như giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN cho biết, việc giảm các lãi suất điều hành trong đó có lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chào mua OMOs phát tín hiệu về sự sẵn sàng của NHNN hỗ trợ các TCTD khi cần tiếp cận vốn.
Đồng tình quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc giảm các mức lãi suất điều hành của NHNN là hoàn toàn cần thiết, một mặt để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, mặt khác cũng tạo điều kiện để các ngân hàng giảm chi phí vốn để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Thậm chí, để tạo thêm điều kiện cho ngân hàng hỗ trợ cho các DN, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất NHNN có thể xem xét dùng biện pháp tái cấp vốn cho các NHTM với mức lãi suất thấp để giúp ngân hàng khi cho vay ra vẫn giữ được biên lợi nhuận phù hợp, NIM sẽ không bị xuống quá sâu.