Thanh toán không tiếp xúc hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh
Bà Đặng Tuyết Dung |
Bà đánh giá như thế nào về việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra?
Dịch Covid-19 với tốc độ lây lan nhanh tại nhiều quốc gia trên toàn cầu đã có ảnh hưởng lớn đến vận hành nền kinh tế các nước. Tại Việt Nam, Chính phủ đã có các chính sách quản lý, khống chế dịch bệnh rất hiệu quả đến thời điểm này với mục tiêu vì sự an toàn và sức khoẻ của người dân, chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, thói quen tiêu dùng của người dân cũng đã có những thay đổi và chuyển dịch xu hướng rất rõ ràng. Cụ thể, người tiêu dùng đã dần chuyển dịch nhiều hơn từ sử dụng tiền mặt sang các phương thức thanh toán điện tử khác để phục vụ cho nhu cầu mua sắm hàng ngày.
Để đảm bảo an toàn khi thanh toán điện tử, người dùng cần lưu ý những gì, thưa bà?
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể, việc hạn chế đi đến chỗ đông người cũng như tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã đem lại cơ hội lớn cho các nền tảng thương mại điện tử phát triển. Các phương thức thanh toán mới cũng được thêm vào các nền tảng này để đem lại những trải nghiệm mua sắm tiện lợi nhất cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự tiện lợi này thường cũng đi cùng những rủi ro. Vì vậy, để đảm bảo an toàn giao dịch khi thanh toán điện tử, người tiêu dùng nên nâng cao cảnh giác đối với tin tặc và các trang web độc hại để đề phòng các rủi ro liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân. Thẻ đã được trang bị chuẩn bảo mật 3D Secure sẽ đảm bảo mọi giao dịch được thực hiện an toàn và nhanh chóng nhất trên các nền tảng mua sắm này.
Việt Nam cũng đang nỗ lực đẩy mạnh thanh toán kỹ thuật số, thực hiện những mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP. Việc triển khai thanh toán số cho các dịch vụ của Chính phủ đánh dấu một bước tiến lớn cho tính hiệu quả của quy trình quản lý hành chính ở nhiều cấp độ, cũng như việc đón nhận rộng rãi các phương thức thanh toán không tiền mặt và tạo ra các trải nghiệm, chất lượng dịch vụ tốt hơn tới người tiêu dùng.
Nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm không dùng tiền mặt, cần có những hoạt động cụ thể gì để việc thanh toán được thuận lợi hơn?
Khi xu hướng người dân chuyển sang mua sắm online, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Now, GrabFood, Fahasa… đã nắm bắt rất nhanh nhạy và đưa ra các chương trình tiêu dùng thuận tiện, tiết kiệm với nhiều tiện ích khi mua bán và thanh toán online.
Vừa qua, Visa và các ngân hàng đối tác đã đẩy mạnh triển khai phát hành thẻ, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thẻ, thay vì tiền mặt. Hầu hết các ngân hàng đã bắt đầu thực hiện phát hành thẻ với công nghệ không tiếp xúc Chip EMV từ cuối năm 2018, công nghệ này giúp người tiêu dùng thực hiện thanh toán nhanh hơn, thuận tiện, an toàn và thủ tục tối giản với công nghệ thanh toán không tiếp xúc. Tại các chuỗi siêu thị lớn như Saigon Co.op, Lotte Mart nơi nhu cầu thực phẩm, hàng tiêu dùng vẫn tiếp tục phục vụ tới khách hàng trong thời gian quản lý khống chế dịch bệnh, Visa kết hợp với các đơn vị này tăng cường nhận diện, tạo thói quen tiêu dùng không dùng tiền mặt với công nghệ không tiếp xúc thông qua các chương trình ưu đãi tiêu dùng.
Ngoài ra, Visa đã cùng NextPay ký kết hợp tác chiến lược, cam kết thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam. Mục tiêu thoả thuận chung là cùng phát triển và mở rộng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam cũng như tăng cường trang bị thiết bị thanh toán mPOS trên khắp 64 tỉnh thành trong cả nước, từ đó đẩy nhanh quá trình áp dụng các công nghệ và nền tảng thanh toán tiện lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt với phân khúc đơn vị chấp nhận thẻ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Visa đang nỗ lực thúc đẩy môi trường thanh toán tại Việt Nam nhằm hỗ trợ khách hàng và các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời điểm hiện tại và đặt mục tiêu đem lại nhiều giá trị bền vững hơn cho thanh toán điện tử và trải nghiệm mua sắm của người dùng trong tương lai...
Xin cảm ơn bà!