Tháo gỡ khó khăn để tiêu thụ nông sản
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), bắt đầu từ tháng 7 do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp tại hầu hết các địa phương, cụ thể là các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Nguy cơ đứt gãy các chuỗi sản xuất, làm ùn ứ nông sản ở nhiều nơi, gây khó khăn vướng mắc cho sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu; tăng nguy cơ thiếu hụt lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.
Người sản xuất, doanh nghiệp chế biến nông sản đang thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất. Về lưu thông, việc vận chuyển hàng hóa, vật tư, sản phẩm nông sản phục vụ nông dân trồng trọt, chăn nuôi gặp khó khăn tại các huyện, xã, thôn bản; việc hướng dẫn di chuyển, đi lại cho người lao động tại một số địa phương còn chưa sát thực tế…
Đẩy nhanh thu hoạch vụ lúa hè – thu |
Cùng với đó là giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng thời gian qua. Chi phí điện, nước cho sản xuất, kho lạnh, chi phí lưu kho và nhiều chi phí khác tăng cao. Trong khi đó, giá sản phẩm nông sản giảm sâu khiến sản xuất và thương mại của ngành nông nghiệp giảm sút.
Tuy nhiên, khó khăn trong hoạt động xuất khẩu thực sự chỉ xuất hiện vào khoảng cuối tháng 8 và đầu tháng 9 khi nhiều tỉnh thành áp dụng các biện pháp giãn cách chặt chẽ hơn khiến ách tắc phát sinh tại tất cả các khâu của chuỗi cung ứng nông thủy sản, từ thu hoạch, chế biến tới vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu. Bộ Công thương cũng đã kiến nghị tháo gỡ ngay những khó khăn trong sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông thủy sản, nhất là ách tắc trong khâu lưu thông.
Hơn thế nữa, sự xuất hiện của đại dịch Covid và các biện pháp phòng chống dịch bệnh dọc hai bên biên giới Việt - Trung đã làm bộc lộ những bất cập của xuất khẩu nông thủy sản theo hình thức "trao đổi cư dân".
Hàng hóa trao đổi theo hình thức này thường là theo thỏa thuận miệng, không có hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ về quy cách hàng hóa, điều kiện giao hàng, chủ yếu xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới… dẫn đến bị động và rủi ro khó lường.
Vì vậy từ nhiều năm nay, Bộ Công thương đã kêu gọi các doanh nghiệp thay đổi, chuyển nhanh và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch, theo hợp đồng với các điều khoản rõ ràng. Tuy nhiên, sự chuyển biến vẫn rất chậm.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, đây là thời điểm rất cần sự chủ động, linh hoạt của địa phương. Tại sao Bắc Giang, Hải Dương có thể xuất khẩu suôn sẻ hơn 100 nghìn tấn vải thiều trong thời gian ngắn trong khi mặt hàng thanh long, dưa hấu thì nay tắc chỗ này mai tắc chỗ khác? ông Khánh đặt vấn đề.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chia sẻ, một số tỉnh/thành phố đã có giải pháp, định hướng đẩy lùi dịch bệnh, phát triển sản xuất, kinh doanh. Giãn cách để phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi các địa phương phải vận dụng linh hoạt, phù hợp để vừa giãn cách vừa duy trì sản xuất ở "chừng mực nhất định", cũng lưu ý vấn đề an toàn trong sản xuất bởi nếu không có giải pháp thích hợp, không sớm ngăn chặn được dịch bệnh, kéo dài tình trạng giãn cách thì sẽ rất khó khăn, không chỉ đối với chủ doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến đời sống công nhân lao động, nông dân.
Đối với sản xuất nông nghiệp, các địa phương phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch tổng thể về tái sản xuất nông nghiệp, trong đó, lưu ý không để xảy ra nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cần đôn đốc các địa phương triển khai kế hoạch nuôi trồng theo đúng tiến độ đã đưa ra từ đầu năm. Xây dựng phương án và chỉ đạo điều chỉnh linh hoạt cơ cấu mùa vụ, loại nông sản nuôi trồng để điều tiết nguồn cung, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thực sự để nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong điều kiện khó khăn.
Đồng thời, tháo gỡ các rào cản gây cản trở lưu thông hàng hóa, Bộ Giao thông - Vận tải thường xuyên nắm bắt tình hình, trong thời gian tới, cần nghiên cứu mở lại các chuyến bay phục vụ xuất khẩu hàng hóa.
Bộ Y tế tiếp tục tập trung ưu tiên vaccine để tiêm cho các đối tượng tham gia thu hoạch, thu mua, sản xuất, chế biến nông sản. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)