Thị trường bất động sản đang ở trạng thái chờ
Chờ giá tiếp tục giảm
Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường & Tư vấn xúc tiến đầu tư - Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, thị trường bất động sản đang “nín thở”, không hoàn toàn án binh bất động nhưng luôn trong trạng thái nghe ngóng, chờ đợi các diễn biến.
Thống kê cho thấy, trong quý I/2023, nguồn cung nhà ở chưa có sự cải thiện, đạt hơn 25.000 sản phẩm ở tất cả các phân khúc. Trong đó tại Hà Nội có 6 dự án, tại TP. Hồ Chí Minh có 5 dự án được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Cơ cấu nguồn cung phần lớn vẫn là các sản phẩm thấp tầng, đất nền, chiếm 50% tổng lượng cung nhà ở trên cả nước. Nguồn cung sơ cấp phân bổ không đồng đều, hầu như chỉ tập trung vào giai đoạn kế tiếp của một vài dự án có quy mô lớn, thiếu nguồn cung mới từ các dự án phát triển tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Giao dịch nhà đất vẫn chưa được cải thiện |
Hầu hết các dự án vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý, chưa được cấp giấy phép mở bán chính thức. Một số ít hiếm hoi chủ đầu tư có hàng nhưng chưa sẵn sàng mở bán vì tâm lý e ngại thị trường chưa tốt sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh.
Tỷ lệ giao dịch nhà đất vẫn chưa được cải thiện, mặc dù có ghi nhận nhưng chưa nhiều. Tỷ lệ giao dịch chung của toàn thị trường quý I/2023 đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, bằng 50% cùng kỳ năm ngoái. Cầu cao nhưng lượng giao dịch thấp do nguồn cung trên thị trường chủ yếu là các sản phẩm đầu tư và cao cấp không phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân. Nhiều khách hàng vẫn còn tâm lý muốn “bắt đáy” nên vẫn đang chờ giá tiếp tục giảm.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Chủ tịch VARS, quý I/2023 thị trường vẫn duy trì trạng thái trầm lắng từ cuối năm 2022. Đây là khoảng thời gian gần cuối của quá trình “sàng lọc tự nhiên”. Sau thời gian này, thị trường sẽ có sự loại bỏ hàng loạt các đối tượng không phù hợp, từ doanh nghiệp bất động sản đến môi giới ra khỏi “cuộc chơi”. Đây chính là tiền đề cơ sở để thị trường sau đó sẽ phát triển một cách có chọn lọc, minh bạch hơn, bền vững và chắc chắn hơn.
Sẽ có chuyển biến tích cực
Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn như pháp lý, trái phiếu doanh nghiệp. Trước các khó khăn trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương đã quan tâm đến vấn đề pháp lý, cơ chế chính sách và các giải pháp nhằm phục hồi, phát triển thị trường bất động sản.
Đặc biệt, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn các dự án bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm tổ trưởng và các bộ ngành đã đề xuất tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết 33/NQ-CP.
Bên cạnh đó NHNN cũng đang sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN. Đặc biệt động thái giảm lãi suất của các ngân hàng cũng đang góp phần tạo những dấu hiệu tích cực cho sự khởi sắc tới đây của thị trường.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang còn nhiều khó khăn đòi hỏi phải có thời gian nhất định để phục hồi dần và phát triển phù hợp.
Dự báo về thị trường trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng với những nỗ lực nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho thị trường, các dự án đang vướng mắc ở giai đoạn cuối cùng thủ tục đầu tư có thể sẽ sớm khởi động trở lại. Nguồn cung nhà ở khả năng sẽ được khơi thông, mặc dù số lượng không nhiều, tuy nhiên sẽ được cải thiện hơn so với quý I. Riêng phân khúc bất động sản nhà ở dự kiến sẽ có khoảng 27.500 sản phẩm được chào bán trên thị trường.
Cùng với “độ ngấm” của các chính sách, niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư sẽ dần được khôi phục. Giao dịch trong quý II sẽ có chuyển biến tích cực. Dự kiến tỷ lệ hấp thụ riêng đối với phân khúc bất động sản nhà ở đạt khoảng 15%-18%. Đặc biệt, chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội nếu triển khai sẽ là đòn bẩy hỗ trợ thị trường thoát khỏi khó khăn.
Để thoát khỏi trạng thái trầm lắng thì thị trường đang chờ đợi động thái tháo gỡ nút thắt cuối cùng, cũng là nút thắt quan trọng nhất. Đó là điều chỉnh các quy định pháp luật, để có thể phê duyệt hàng ngàn dự án đầu tư, phát triển đang án binh bất động.
“Cần đẩy mạnh và nhanh hơn nữa việc ban hành các văn bản dưới luật, tháo gỡ các điểm nghẽn cho các dự án đầu tư. Đặc biệt, cần sớm sửa đổi, ban hành các nghị định, thông tư liên quan đến chuyển nhượng dự án, tính tiền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch nhà ở xã hội”, ông Đính nhận định.